Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới (WWF) vừa tiếp tục tài trợ kinh phí thực hiện dự án bảo tồn “Sao la trong nguy cấp” tại Thừa Thiên-Huế. Việc tập trung bảo vệ quần thể sao la thông qua việc loại bỏ các mối đe dọa trực tiếp như bẫy và sử dụng chó để săn trong vùng lõi sao la và vùng phụ cận đang được ráo riết thực hiện.
Những phát hiện về sao la
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, sao la được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996 tại thôn Hộ, xã Dương Hòa (Hương Thủy). Đó là con đực, nặng 52kg đã chết. Mẫu vật hiện được lưu giữ tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn sao la tại Thừa Thiên-Huế, từ tháng 11-1996 đến tháng 2-1997, đã tổ chức đợt khảo sát tại 40 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn tỉnh. Kết quả thông tin về sao la có ở 19/40 xã, thuộc 5 huyện (A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà và Phong Điền) và thu thập được 27 cặp sừng, sọ sao la.
Đến năm 1998, người dân phát hiện một con sao la cái nặng 80kg, đang mang thai bị mắc bẫy thòng lọng ở khe Ông, tiểu khu 1097, thuộc địa phận xã Hương Nguyên (A Lưới). Sau khi quay lại một đoạn phim tư liệu 10 phút (đây là đoạn phim tư liệu duy nhất về sao la trên thế giới), lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương đã cứu hộ và thả con sao la vào rừng. Đến năm 1999, một con sao la nặng 8kg nữa được phát hiện tại bản Bụt, xã Hương Nguyên (huyện A Lưới), nhưng đã chết sau 8 ngày được cứu hộ tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Nhưng từ đó đến nay, giới chuyên môn đã thực hiện nhiều đợt khảo sát tìm kiếm sao la, vẫn chưa tìm thấy ngoài tự nhiên. Liệu sao la có còn tồn tại (!?).
Nguy cơ bị giết thịt
Ông Lê Ngọc Tuấn, cho hay: “Vùng rừng A Lưới, Thừa Thiên-Huế có sao la nhiều nhất hiện nay. Tuy vậy, nguy cơ sao la bị săn bắt rất cao. Bởi sao la rất yếu bóng vía, mỗi khi gặp chó săn chúng khiếp vía và đứng yên một chỗ nên rất dễ bị tiêu diệt. Một số khác mắc bẫy thú của dân và bị giết thịt...”. Theo ông Tuấn, muốn bảo vệ sao la trước tiên phải bảo vệ môi trường sống của chúng và dẹp nạn săn bắt, bẫy thú rừng.
Vậy nhưng, trên thực tế, nạn săn bắt và buôn bán thịt thú rừng trái phép vẫn diễn ra tràn lan. Riêng khu vực Cầu Tuần xã Hương Thọ (huyện Hương Trà) nằm sát khu bảo tồn sao la, hàng ngày người dân vẫn ngang nhiên bán thịt rừng công khai. Ở đây hình thành khu “chợ thịt rừng”, và hàng ngày tại đây giao dịch đến cả tấn thịt rừng, như: heo, nai, mang… Theo người dân, thú rừng được săn bắt ở các huyện A Lưới, Nam Đông, rồi vận chuyển lén lút về đến xã Hương Thọ bày bán công khai. Cứ thế, ngày nào thú rừng cũng bị giết hại. Và ai dám chắc rằng trong số thịt rừng đó không có sao la. Một đầu nậu thịt rừng tên S., cho hay: “Thú rừng sau khi bị bắn hạ, các tay thợ săn cắt đầu cúng tế còn thân mình họ bán lại cho chúng tôi, nên sao la có bị giết thịt hay không tui không thể biết được…”.
Nỗ lực bảo vệ sao la
Theo giới nghiên cứu động vật hoang dã, trên thế giới sao la chỉ còn khoảng 200 con tập trung ở Trung Trường Sơn (Việt Nam) và Xê Sáp (Lào), đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, những dự án bảo tồn liên tiếp đã được thực hiện nhằm cứu vãn loài sao la. Bắt đầu từ năm 2001, với sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới đã thực hiện Chương trình Bảo tồn cảnh quan Trung Trường Sơn để bảo vệ sao la. Một kế hoạch bảo tồn sao la Việt Nam giai đoạn 2005-2010 ở 6 tỉnh (từ Nghệ An đến Quảng Nam) được Cục Kiểm lâm và WWF thông qua. Hành động được thực hiện ngay là tháo dỡ bẫy thú ở tất cả các xã có sao la; tăng cường kiểm tra để xóa bỏ các mối đe dọa trực tiếp ở vùng có sao la... Mới đây, ngày 22-11, WWF đã tài trợ với tổng kinh phí 213.773 USD để “bảo vệ sao la trong nguy cấp” tại Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng đang có kế hoạch hỗ trợ 2,1 triệu USD tiếp tục bảo tồn sao la.
Ông Lê Ngọc Tuấn cho hay, đơn vị đã thành lập 3 trạm bảo vệ sao la, trạm A Tép (sát Quảng Nam), trạm hầm Bột (xã A Roàng) và trạm Trà Lệnh tại xã Hương Nguyên. Các trạm liên tục bảo vệ 24/24 giờ. Điều khó khăn là đơn vị đang thiếu nhân lực, trong lúc đó vùng bảo tồn sao la có 36km đường Hồ Chí Minh đi qua nên người dân rất dễ xâm nhập khai thác và săn bắt động vật rừng.
|
Phan Lê