Hơn 3.700 khách hàng lắp điện mặt trời
Trên bản đồ bức xạ của thế giới, Việt Nam nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, trung bình khoảng 1.581kWh/m2/năm (cao nhất là 6,3kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3kWh/m2/ngày vào tháng 7). Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc.
Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Theo “Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn TPHCM ước tính khoảng 6.300MW. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.
Hiện đã có 20 đơn vị trực thuộc EVNHCMC lắp đặt hoàn tất hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở đơn vị, với tổng công suất đã lắp đặt là 1,24MWp. Hiện EVNHCMC đang tiếp tục lắp đặt ở các đơn vị còn lại và tại các trạm trung gian 110/220kV để nâng cao công suất điện mặt trời trên mái nhà trong nội bộ ngành điện. Điều này góp phần thể hiện vai trò tiên phong của ngành điện trong việc sử dụng điện mặt trời, từ đó thúc đẩy phát triển điện mặt trời nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng trên địa bàn thành phố. |
Tính đến ngày 22-8-2019 đã có 3.741 khách hàng trên địa bàn TPHCM lắp đặt điện mặt trời áp mái. Công suất điện mặt trời đã lắp đặt đạt 42,71MWp. Hiện có 3.521 khách hàng đã nối lưới và đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện. Tổng số tiền ngành điện đã thanh toán cho khách hàng là 4,39 tỷ đồng.
Giá thành lắp đặt điện mặt trời còn cao
Tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn TPHCM là rất cao. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lý do làm ảnh hưởng đến việc lắp đặt điện mặt trời của người dân. Một trong số đó là việc chưa có giá điện mặt trời mới từ ngày 1-7-2019 (do Quyết định số 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực ngày 30-6-2019). Đồng thời hiện cũng vẫn chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Bên cạnh đó, giá thành lắp đặt 1kWp điện mặt trời còn cao, chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án điện mặt trời và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt điện mặt trời cho khách hàng.
Theo một cán bộ ngành điện, hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (pin, inverter…) để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau, dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt, sử dụng điện mặt trời của người dân. Hiện cũng chưa có quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho các khu vực mái có tiềm năng tốt và bán điện lại cho khách hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Việt Anh, Phó Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), cho biết để khắc phục các trở ngại, EVNHCMC sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Bên cạnh đó, EVNHCMC tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các sở ban ngành liên quan sớm ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho người dân sử dụng điện mặt trời.
Để thúc đẩy việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn TPHCM, EVNHCMC cũng kiến nghị UBND TP và các bộ ngành liên quan sớm ban hành giá điện mặt trời mới áp dụng cho giai đoạn từ ngày 1-7-2019 trở về sau. Đưa việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà thành một yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước. Có các chương trình hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời tương tự như chương trình hỗ trợ 1 triệu đồng cho khách hàng lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời trước đây. Ban hành quy định thuận lợi về việc xin giấy phép xây dựng, về quy định tải trọng lên kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tạo điều kiện cho người dân lựa chọn và sử dụng. Đồng thời ban hành quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Trên cơ sở các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của các cấp, EVNHCMC đã ban hành hướng dẫn chi tiết các đơn vị cách thức mua bán điện và thanh toán tiền mua bán điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà. Từ ngày 25-4, ngày Thông tư 05/2019 của Bộ Công thương có hiệu lực, các công ty điện lực đã triển khai ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời và triển khai thanh toán tiền điện mặt trời cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tục đấu nối và mua bán điện rất đơn giản, nhanh chóng. Sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, chủ đầu tư có nhu cầu hòa lưới điện quốc gia, bán phần điện dư cho ngành điện, chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua đầu số 1900.545454 để được hỗ trợ kiểm tra điều kiện hòa lưới, lắp điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời. Sản lượng điện mặt trời phát ngược sẽ được ngành điện ghi nhận và thanh toán định kỳ hàng tháng cho chủ đầu tư qua hình thức chuyển khoản theo quy định của Thông tư 05. |