Phạm Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan, chia sẻ: “Hà Lan đang thu hút rất nhiều học sinh quốc tế về học tập, dẫn tới tình trạng “quá tải” về nhà ở tại một số thành phố và giá nhà tăng cao. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều sinh viên bản xứ gặp khó khăn trong việc thuê nhà, đặc biệt tại các thành phố đông sinh viên. Lượng sinh viên quốc tế có nguyện vọng tới Hà Lan tăng cao nên các đại học hàng đầu đang có chính sách hạn chế tuyển sinh quốc tế vì lo ngại không đáp ứng được”.
Vân Anh ngay khi tốt nghiệp THPT chuyên Ngoại ngữ đã chọn theo học ngành Quản trị kinh doanh quốc tế của Trường Kinh doanh Rotterdam thuộc Đại học Nghiên cứu Erasmus, Hà Lan. Đất nước của hoa Tulip nhiều lần lọt tốp những nước lý tưởng nhất để du học vì đang sở hữu hơn 1.500 chương trình giáo dục quốc tế dạy bằng tiếng Anh. Ngôn ngữ bản địa là tiếng Hà Lan nhưng trên 90% dân số nói tiếng Anh. Xứ sở cối xay gió cũng được đánh giá cao bởi môi trường sống và học tập cởi mở, giúp sinh viên Việt nhanh chóng hòa nhập hơn. Nước này hiện là “bến đỗ” của hơn 5.000 sinh viên Việt, với ngành học phổ biến là kinh doanh và truyền thông tại Đại học Amsterdam, Đại học Erasmus và Đại học HAN. Tuy nhiên, thế mạnh của Hà Lan còn nằm ở các khối ngành kỹ thuật, khoa học xã hội, môi trường và nông nghiệp.
Vân Anh đang là Chủ tịch HSVVN ở nước ngoài trẻ nhất (trong Liên hiệp Hội Sinh viên Việt Nam tại châu Âu). Sự nhập cuộc nhanh chóng này của Vân Anh bắt nguồn từ khi mới học lớp 9, lớp 10 ở Hà Nội, cô đã bén duyên công tác cộng đồng: là người khởi xướng dự án Ấm (gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai và bệnh nhi ung thư máu), dự án Tôi tập đọc (lan tỏa văn hóa đọc cho trẻ em khuyết tật trí tuệ và tự kỷ ở Trung tâm Sao Mai)... Vân Anh tìm hiểu về Hội SVVN tại Hà Lan qua mạng xã hội trước khi du học. Khi hội thông báo tuyển nhân sự, cô đã ứng tuyển và bắt đầu với vị trí thư ký Chủ tịch ngay năm du học đầu tiên 2021-2022. Vân Anh cho biết: “Thuận lợi của Hội SVVN tại Hà Lan là có nguồn nhân lực trẻ đầy sáng tạo, nhiều khát vọng cống hiến. Khi tôi mới sang Hà Lan cũng là thời điểm “lockdown”, chính phủ cấm sự kiện tụ tập đông người. Nhưng công tác hội phải triển khai, vì sinh viên vẫn cần kết nối, giao lưu, học hỏi. Chúng tôi đã nghiên cứu tổ chức sự kiện bằng chính công cụ trực tuyến đang dùng cho việc học như Zoom. Kết quả đã thực hiện Giải thể thao điện tử và Ngày hội hướng nghiệp trực tuyến, nhận được sự tham gia đông đảo của sinh viên”.
Sự gắn kết và hoạt động chuyên nghiệp của Hội SVVN tại Hà Lan cũng đang thể hiện qua hai sự kiện thường niên là Welcome Party - Tiệc chào mừng tân sinh viên và Career Fair - Ngày hội hướng nghiệp, nơi cựu du học sinh, nghiên cứu sinh làm việc và định cư tại Hà Lan đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với tân sinh viên. Hội đang điều hành diễn đàn hơn 40.000 thành viên bao gồm sinh viên, cựu sinh viên, phụ huynh, học sinh muốn tìm hiểu về du học Hà Lan và nhiều nhóm trao đổi dành cho tân sinh viên cũng như sinh viên ở các thành phố khác nhau. Vân Anh cũng cho biết năm học mới này, Hội mong muốn đẩy mạnh hoạt động hợp tác cùng các đơn vị trong nước nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên giao lưu, học tập.