Sau khi đăng bài “TPHCM tăng tốc phát triển nhà ở xã hội”, Báo SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến của lãnh đạo, chuyên gia và người dân, Báo SGGP xin giới thiệu cùng bạn đọc.
* Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM:
Tính phương án xây nhà cho thuê
Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động TPHCM, nhu cầu về nhà ở của công nhân, NLĐ hiện nay rất lớn. Trung bình các nhà trọ ở thành phố khoảng 14m2 với mức thuê 1,6 triệu đồng/tháng/4 người. Theo đó, mỗi công nhân đang làm việc tại TPHCM dành 10-15% thu nhập để chi trả tiền thuê trọ.
Mong muốn về nơi ở ổn định, đầy đủ tiện nghi là nhu cầu thiết thực của NLĐ. Do đó, chủ trương xây nhà ở giá rẻ, khu lưu trú cho công nhân là điều đông đảo NLĐ mong mỏi. Tuy nhiên, với mức giá dự kiến bán 1 căn NƠXH như hiện nay (từ 1-1,6 tỷ đồng) trong khi thu nhập vẫn còn thấp, thì NLĐ khó lòng sở hữu một căn nhà mơ ước.
Để giải bài toán về nơi ở ổn định cho NLĐ, nhất là người dân nhập cư, tôi cho rằng, bên cạnh việc xây NƠXH để bán thì cũng nên tính đến phương án xây nhà cho thuê, xây các khu lưu trú cho công nhân. Trong đó, phát triển nhà cho thuê là một chính sách đặc biệt, căn cơ mà TPHCM cần tính tới trong phương án về nhà ở cho công nhân.
Hay ngay trong thời điểm này, thành phố có thể tính đến phương án tận dụng nguồn nhà tái định cư vừa qua được sử dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, sửa sang lại để cho công nhân thuê trọ. Như vậy sẽ không lãng phí tài nguyên đất. Để thu hút công nhân vào ở tại các khu lưu trú, ban quản lý cũng cần tính toán lại phương án quản lý phù hợp, để NLĐ thấy được sự thoải mái, tiện nghi.
Một phương án tối ưu khác chính là cần có chính sách vay vốn lãi suất 0% để chủ nhà trọ có kinh phí sửa chữa, xây dựng lại các khu nhà trọ đã xuống cấp. Qua khảo sát của chúng tôi, rất nhiều chủ nhà trọ cần vốn để sửa sang nhà trọ, từ đó NLĐ có môi trường sống tốt hơn. Ngoài ra, đa phần các khu trọ nằm gần khu công nghiệp, gần nơi làm việc nên rất thuận tiện cho NLĐ trong việc đi lại. Đây cũng là cách có thêm quỹ nhà ở cho NLĐ khi thành phố đang hạn hẹp quỹ đất như hiện nay.
* TS DƯ PHƯỚC TÂN, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM:
Nên có chính sách ưu đãi nhà ở cho thuê dài hạn
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề quan trọng là làm thế nào cung ứng số lượng nhà ở khang trang, sạch đẹp, an toàn theo phương châm “Nhà nước chăm lo cho NLĐ có chỗ ở tốt, chứ không phải chăm lo cho NLĐ có sở hữu nhà ở”. Do vậy, chính sách nhà ở cho công nhân, NLĐ, người có thu nhập thấp cần được thay đổi quan điểm theo phương châm như trên.
Công nhân, NLĐ cũng cần thay đổi nhận thức, tâm lý muốn sở hữu nhà hơn là thuê nhà. Cần nhìn thẳng thực tế, giá nhà đất ở một siêu đô thị như TPHCM là rất cao, nếu không muốn nói là ngoài tầm so với thu nhập của đa số công nhân, NLĐ. Chúng ta nên hướng tới mục tiêu khả thi hơn: có chỗ ở tốt, an toàn, trong lành, thay vì quá quan tâm chuyện sở hữu.
Hiện nay, có rất ít DN dám đầu tư căn hộ cho thuê hàng năm, vì ngân hàng chưa có cơ chế cho vay dài hạn (hơn 20 năm) và lãi vay khá cao. Để khuyến khích DN tham gia xây nhà cho thuê giá rẻ, TPHCM cần xem xét hỗ trợ lãi suất vay đối với DN xây dựng dự án căn hộ cho thuê dài hạn với lãi suất thấp.
Chính sách ưu đãi nhà ở cho thuê dài hạn, giá bình dân với đủ tiêu chuẩn nhà ở cần được xem xét ban hành, chẳng hạn như hình thức công nhận sở hữu nhà có thời hạn (ví dụ 50 năm) thay vì chỉ sở hữu vài năm hoặc không xác định ngưỡng tối đa.
Khi quy hoạch khu dân cư liền kề các khu công nghiệp, cần tính đến diện tích, quy mô của các công trình hạ tầng xã hội (như khu vui chơi giải trí, trường mẫu giáo, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám…) không chỉ đáp ứng cho cư dân trong khu đô thị mới, mà còn đáp ứng cho toàn bộ công nhân, NLĐ trong khu công nghiệp gần kề. Song song đó, cần có chính sách ưu đãi để các chủ nhà trọ xung quanh khu công nghiệp cải tạo, nâng cấp và xây mới nhà trọ phục vụ NLĐ.
* Ông NGUYỄN VĂN TÂM, tài xế xe ôm công nghệ tại huyện Nhà Bè, TPHCM:
Mong muốn có nơi ở với giá cả phù hợp
Tôi chạy xe ôm công nghệ, còn vợ tôi làm giúp việc gia đình. Tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 19 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, sau khi trừ chi phí sinh hoạt gia đình, tiền học của 2 con, thuê phòng trọ… thì còn lại không bao nhiêu, thậm chí nhiều tháng thiếu hụt, phải vay mượn thêm. Gia đình tôi không biết bao giờ mới có thể mua được nhà ở TPHCM, vì mỗi căn nhà có giá trên cả tỷ đồng.
Tôi rất vui khi TPHCM đang có nhiều sự quan tâm chăm lo, phát triển nhà ở cho công nhân, NLĐ. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ người có thu nhập thấp mua, thuê mua NƠXH, nhà lưu trú mới chỉ hướng tới công nhân, NLĐ ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất và một phần ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong khi đó, chính sách NƠXH chưa hướng tới những NLĐ tự do như vợ chồng tôi. Tôi rất mong thành phố tạo điều kiện cho những NLĐ tự do được thuê NƠXH với giá cả phù hợp; hoặc hỗ trợ các chủ nhà trọ cải thiện phòng trọ, giúp NLĐ được ở trong môi trường khang trang, sạch đẹp hơn.