Tại đây, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho biết, sẽ đề xuất với Bộ Chính trị một chính sách bồi dưỡng cán bộ trẻ đủ năng lực để chuẩn bị lực lượng lãnh đạo kế thừa cho đất nước.
Trong phần trình bày chuyên đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam với 2/3 dân số là thanh, thiếu niên kéo dài đến năm 2035. Nếu có chính sách tốt, chúng ta sẽ có đủ nguồn nhân lực trẻ phục vụ đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ cán bộ trẻ ở các cấp vẫn chưa đạt yêu cầu. Hiện ở cấp Trung ương, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 45 tuổi khóa XIII đạt 12% nhưng các trưởng phó ban Đảng, trưởng phó ban cấp Trung ương không có người dưới 45 tuổi. Ở cấp tỉnh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ có 5,94% cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, thấp hơn nhiệm kỳ trước. Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, ở lĩnh vực nào, thời kỳ nào, địa phương nào cũng có người tài nhưng vấn đề là cần được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời. Với quan điểm, chủ trương của Đảng xuyên suốt qua nhiều thời kỳ về công tác phát triển cán bộ trẻ, Ban Bí thư đang nghiên cứu và sẽ đề xuất một chính sách mới dành riêng cán bộ trẻ có năng lực vượt trội, có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng. Những cán bộ trẻ này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm để phát huy tốt nhất năng lực. Tuy nhiên, đồng chí Trương Thị Mai cũng cảnh báo, đội ngũ cán bộ trẻ cần phấn đấu hết sức mình, đừng nghĩ đến lợi ích hay vị trí, làm giảm đi sự trong sáng, lành mạnh của lớp trẻ.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết, từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã tuyên dương 2.067 thủ khoa, tuyển dụng được 200 thủ khoa về làm việc. Trong đó, có nhiều người đã và đang đảm nhận các vị trí như giám đốc sở, bí thư thành đoàn… Từ khi có Luật Thủ đô, TP Hà Nội cũng đã có nhiều cơ chế đặc biệt trọng dụng nhân tài. Thế nhưng, thời gian gần đây, việc tuyển dụng trực tiếp không thực hiện được, do vướng các quy định của Luật Cán bộ công chức. Trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật Thủ đô, TP Hà Nội sẽ kiến nghị tháo gỡ khó khăn này. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong công tác bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ, theo hướng tuyển dụng, giao việc, đánh giá một cách minh bạch, công tâm, tránh trục lợi chính sách. Đại diện TP Hà Nội đề nghị sớm có chính sách mới về cán bộ trẻ và xin sẵn sàng thực hiện thí điểm.
Đồng tình với những khó khăn mà đại diện TP Hà Nội đưa ra, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cũng nêu một thực tế trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ có 3/45 cán bộ dưới 40 tuổi, đạt 6,5%. Trong quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa, chỉ đạt 6,3%; dự báo nhiệm kỳ tới vẫn khó đạt mức 10% cán bộ trẻ theo quy định. Đồng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hiện các tỉnh đang chuẩn bị làm quy hoạch nhân sự lần thứ 2, bắt đầu chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và nếu không ban hành sớm chính sách mới thì sẽ khó đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ tại các địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm của TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết, thành phố đã có 3 chương trình gắn với công tác đào tạo cán bộ là: quy hoạch đào tạo cán bộ nữ; đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ; đào tạo cán bộ từ nguồn công nhân lao động trẻ. Nhờ duy trì các chương trình này nên tỷ lệ cán bộ trẻ trong lãnh đạo quản lý cấp thành phố vẫn đảm bảo trong nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ này, như nhiều địa phương khác, việc tuyển dụng cán bộ trẻ có gặp khó khăn, do vướng nhiều quy định đến Luật Cán bộ công chức. TPHCM đang rà soát, đánh giá lại công tác cán bộ trẻ và mong muốn sớm có chính sách mới với những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về lĩnh vực này. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương quy hoạch, đào tạo, chăm lo, bổ nhiệm cán bộ trẻ, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của thành phố trong thời gian tới.