* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, cơ chế chính sách phát triển TPHCM có ý nghĩa đặc biệt như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng của thành phố?
* Ông NGUYỄN THÀNH PHONG: TPHCM vừa qua vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại, vì vậy TPHCM đề xuất cơ chế chính sách để tạo xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2017, Trung ương (TW) giao TPHCM thu ngân sách 347.000 tỷ đồng, trước nhiệm vụ TW giao thì thành phố cũng nỗ lực thu nhưng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tỷ lệ thu nội địa.
Giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố là 9,6% nhưng bắt đầu từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ 8,05%. Năm nay, thành phố cố gắng phấn đấu đạt 8,4% nhưng không thể được, vừa rồi sơ bộ tính toán thì tăng cao nhất cũng chỉ 8,25%. Những tháng còn lại thành phố nỗ lực tìm thêm giải pháp để đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng nói chung là khó khăn.
* Thành phố tăng trưởng chậm thì đóng góp ngân sách TW cũng giảm. Tỷ lệ điều tiết Ngân sách TW của thành phố chỉ 18%, như vậy cũng khó khăn cho thành phố?
- Tất nhiên là khó khăn. Trước đây tỷ lệ ngân sách TW điều tiết cho thành phố là 23%, nhưng nay chỉ còn 18%. Trong số đó cao nhất cũng chỉ chi 35% cho đầu tư xây dựng cơ bản, còn thành phố phải chủ động bằng các phương thức để huy động nguồn lực từ bên ngoài, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư. Thành phố đã luôn tìm mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai.
Hiện nay, việc khai thác nguồn lực đất đai tại TPHCM đã theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng, nhưng nếu hành lang pháp lý được tạo thuận lợi thì sẽ thêm cơ sở vững chắc để tạo động lực phát triển cho TPHCM. TPHCM sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, chủ động tìm kiếm các phương thức đầu tư để phát triển.
* Tăng trưởng thành phố giảm có phải do tỷ lệ điều tiết ngân sách bị giảm không, thưa ông?
- Cái đó chỉ là một phần. Bên cạnh đó, còn có những tác động khác mà thành phố đã thể hiện trong đề xuất với Quốc hội. Như tôi đã nói, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM còn 18% thì trong số đó cao nhất cũng chỉ chi 35% cho đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, như ODA chẳng hạn thì phải có vốn đối ứng. Hay muốn triển khai các dự án TPP thì phải có vốn mồi, 1 đồng vốn mồi từ ngân sách thì thu được 14 đồng vốn xã hội. Cái đó rất quan trọng.
Khi có cơ chế, tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách là không thay đổi vì Quốc hội đã quyết vốn trung hạn. Nhưng khi có cơ chế đặc thù cho thành phố, thì thành phố tranh thủ được các nguồn lực khác, hiệu quả sẽ rất lớn. Khi có nguồn lực thì quy mô tăng GRDP của thành phố tăng lên, lúc đó tỷ lệ đóng góp vào ngân sách TW cũng sẽ lớn hơn về quy mô. Quan trọng hơn là sẽ tạo thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực khác ngoài ngân sách.
* Một số ý kiến vẫn lo cơ chế đặc thù cho TPHCM sẽ có tác động đến ngân sách quốc gia, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
- Trong giải trình của Chính phủ đã rất rõ, tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách TW là không động đến, tức là không động đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra. Tất cả những vấn đề mà TPHCM đề xuất trong tờ trình của Chính phủ thì thành phố đều đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đề xuất.
Theo đó, có 4 nhóm vấn đề về quản lý đầu tư; quản lý đất đai; cơ chế đầu tư, ủy quyền và thu nhập. Đó là những vấn nếu Quốc hội thông qua thì sẽ tạo đột phá cho TPHCM.
*Đối với thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý, dự thảo mới đã điều chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH ở tổ thảo luận, đó là không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Về vấn đề này thì như thế nào, thưa ông?
- Lương trần là phải đảm bảo như với công chức chung cả nước. Còn nếu anh nỗ lực, ngân sách của thành phố mở rộng ra thì có nguồn thu tăng thêm thì UBND thành phố trình HĐND quyết định tăng bao nhiêu.
Sau khi có cơ chế thông qua TPHCM sẽ có hướng dẫn cụ thể. Một mặt chúng ta thực hiện Nghị quyết của TW 6 về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, điều này cần có lộ trình. Tất cả lương của cán bộ công chức đều có mức cụ thể theo quy định, nhưng kinh tế tăng trưởng, nguồn thu ngân sách tăng lên thì lúc đó thành phố mới đề xuất HĐND thành phố mức thu nhập tăng thêm cụ thể. Thành phố sẽ có báo cáo, đề án cụ thể. Nhưng phải tăng mới giải quyết được vấn đề.
*Nhiều ý kiến cho rằng, tăng lương cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu việc này khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng tại TPHCM tiếp tục được đẩy lên. Ông thấy sao?
- Cái này cũng thuộc trách nhiệm của thành phố phải quản lý để giá tiêu dùng không tăng quá mức, chứ nếu tăng lương, tăng thu nhập mà giá cả cũng tăng lên thì mức lương thực tế đâu có ý nghĩa gì. Vậy nên vấn đề còn lại là phải kiềm chế làm sao để giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm không bị đẩy theo để ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nếu được Quốc hội thông qua, TPHCM sẽ chủ động, khẩn trương xây dựng các đề án cụ thể, lấy ý kiến người dân và các đối tượng bị tác động để tạo sự đồng thuận cao nhất, hoàn chỉnh đề án theo đúng quy trình, thủ tục quy định, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Việc tăng hay giảm các mức thuế, phí sẽ được tính toán, trình phương án kỹ lưỡng nhằm tạo sự công bằng tốt nhất trong việc sử dụng tài nguyên, hạ tầng và thu hút đầu tư, kích cầu để phát triển.
* Xin cảm ơn ông!