Chiều 14-5, cho ý kiến về xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Lê Quang Mạnh cho rằng, việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, phạm vi chính sách được đề xuất bổ sung là khá nhiều, trên nhiều lĩnh vực. Một số chính sách mới, có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước (NSNN), đến đời sống kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại và chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành.
“Để có căn cứ vững chắc cho việc xem xét, quyết định, cần đánh giá tác động cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, nhất là đối với các chính sách tác động đến thu, chi NSNN, đến nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách và chi tiết hơn về kết quả đầu ra”, ông Lê Quang Mạnh bình luận.
Về thời điểm thông qua, Thường trực Ủy ban TC-NS cơ bản nhất trí với dự kiến thời điểm trình của Chính phủ, song đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ tính cấp bách, sự cần thiết phải ban hành ngay các chính sách nêu trên, nhất là khi Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội mới triển khai được hơn 2 năm, chưa qua sơ kết, tổng kết; tránh tạo tâm lý so sánh giữa các địa phương. Một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2024) để đảm bảo xem xét toàn diện hơn.
Vẫn theo ông Lê Quang Mạnh, dự thảo cũng chưa thể hiện được nội dung “trọng tâm, trọng điểm” mà cơ chế đặc thù này cần hướng tới. Bên cạnh đó, cần đề xuất sửa đổi những quy định đang triển khai có vướng mắc, tạo căn cứ pháp lý khơi thông nguồn lực.
“Nhiều chính sách căn bản mang tính tương đồng như các địa phương có cơ chế đặc thù. Trong khi đó, Nghệ An là địa phương có đặc thù, tiềm năng, thế mạnh riêng về vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, yếu tố con người, nền tảng kinh tế”, người đứng đầu Ủy ban TC-NS băn khoăn. Đơn cử, về kinh tế, Nghệ An xác định mục tiêu đến năm 2030 phải là tỉnh “phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu”. Đây là những điểm đặc thù, song dự thảo nghị quyết chưa có quy định tương xứng để thực hiện định hướng này; hoặc đặt ra mục tiêu phát triển Nghệ An “nhanh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ… Văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy”, song ngoài việc mở rộng áp dụng cơ chế đầu tư đối tác công - tư (PPP) cho lĩnh vực văn hóa thì khía cạnh này chưa được thể hiện nổi bật trong cơ chế đặc thù…
“Về cơ bản, các chính sách còn mang nhiều nét tương đồng với các chính sách của các địa phương khác, chưa có chính sách thật sự mang tính đột phá để tạo sức bật mà Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị yêu cầu. Vì vậy, cần chú trọng hơn những chính sách đột phá mạnh mẽ, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy tỉnh Nghệ An phát triển nhanh và bền vững”, ông Lê Quang Mạnh nói.