Đe dọa tính minh bạch
Công trình nghiên cứu tựa đề How China Lends (tạm dịch: Trung Quốc cho vay như thế nào) do 4 trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William và Mary: Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Trung tâm Phát triển toàn cầu (đều ở Mỹ) và Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) thực hiện.
Trong bối cảnh Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay của họ, các nhà nghiên cứu Mỹ và Đức đã tìm kiếm dữ liệu trong số 100 hợp đồng cho vay ký kết giữa Trung Quốc với chính phủ 24 nước có thu nhập thấp giai đoạn 2000-2020 (tổng trị giá 36,6 tỷ USD). Sau đó, họ đã so sánh các hợp đồng cho vay của Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký kết với các chủ nợ lớn khác, từ đó rút ra được những chi tiết cụ thể về các điều kiện cho vay.
Tờ Le Monde của Pháp đã nêu bật một số điều kiện “không mấy chính đáng” được Trung Quốc áp dụng. Trước hết, các điều kiện bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy với các quốc gia chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ tiền vay. Điều kiện này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu với người dân của họ về số tiền phải hoàn trả. Tính chất thiếu minh bạch đó làm các thủ tục tái cơ cấu nợ tập thể phức tạp thêm, vì chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ khó đánh giá mức độ đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đó, nếu thiếu một số thông tin.
Công cụ bành trướng?
Bắc Kinh còn đưa ra nhiều điều kiện bất thường khác, nổi bật là điều khoản cấm con nợ tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu lạc bộ Paris thực hiện. Theo công trình nghiên cứu, có 3/4 hợp đồng cho vay của Trung Quốc bao gồm điều kiện đó. Câu lạc bộ Paris là một cơ chế tập hợp các quốc gia chủ nợ lớn, đã phát triển một bộ quy tắc để phối hợp các kế hoạch tái cơ cấu hoặc xóa nợ theo hướng công bằng, không thiên vị bất kỳ một chủ nợ nào. Khi cấm con nợ của mình tham gia cơ chế của Câu lạc bộ Paris, Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc công bằng này, buộc các con nợ ưu tiên trả nợ cho họ khi có vấn đề.
Một nửa trong số các thỏa thuận do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) ký kết đều quy định, bất kỳ hành động nào gây bất lợi cho một “thực thể của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại quốc gia con nợ đều có thể kích hoạt việc trả nợ trước thời hạn”. Ngoài ra, còn có một điều khoản quy định rằng, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với một sự vỡ nợ. Và đến 90% các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu Mỹ - Đức thu thập được đều có điều khoản cho phép chủ nợ Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong trường hợp có thay đổi chính trị hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia con nợ.
Tờ Le Monde kết luận, Bắc Kinh đã biến tiền cho vay thành một công cụ bành trướng quyền lực của Trung Quốc. Tờ The Strait Times đã dẫn chứng trường hợp Argentina để minh họa cho điều này. Khi chính phủ mới lên nắm quyền vào năm 2016, họ đã có ý định hủy bỏ 2 dự án xây đập vì lý do môi trường. CDB, 1 trong 3 định chế Trung Quốc cấp vốn cho các dự án, đã đe dọa sẽ hủy dự án đường sắt chở nông sản Argentina đến các cảng của Chile bên bờ Thái Bình Dương, nếu các dự án đập bị hủy bỏ. CDB có thể đe dọa là bởi dựa vào một điều khoản trong hợp đồng vay nợ, rằng CDB có thể dừng các khoản cho vay nếu bên vay bị vỡ nợ hoặc hủy bỏ một dự án khác của Trung Quốc. Cuối cùng, Argentina đã phải duy trì dự án xây dựng các con đập.