Cơ chế, chính sách phải được nuôi dưỡng đúng tầm

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy nếu tiềm năng, lợi thế của thành phố không được chủ động bồi đắp, nuôi dưỡng bằng cơ chế, chính sách đúng tầm, nếu năng lực thực thi của các cấp, các ngành không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì không thể tạo nên những đột phá mới.

Ngày 22-6, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI trên các lĩnh vực.

Các đồng chí: GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị.

Cơ chế, chính sách bất cập ảnh hưởng đến tăng trưởng của TPHCM

Từ gợi ý của GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng những thành tựu, kết quả đạt được và những hạn chế, nguyên nhân; chỉ ra những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc, những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM và các địa phương, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên các lĩnh vực.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo tham luận tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo tham luận tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, GRDP của TPHCM tăng bình quân khoảng 2%. Thành phố vẫn luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là 1,3 triệu tỷ đồng, đạt 109% so với dự toán và tăng gần 29% so với giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu bình quân hơn 26%.

Tuy nhiên, thành phố chưa ghi nhận dấu hiệu đột phá trong phát triển, thể hiện rõ nét nhất trong kết quả về tăng trưởng. Giai đoạn 2021-2022 ghi nhận sự sụt giảm lớn về tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP, bình quân chỉ đạt 20,1% trong khi thời kỳ 2011-2020 đạt 31,8%.

Điều này cho thấy thành phố gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển thành phố cũng như việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn thành phố kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể đưa vào khai thác dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhiều hệ lụy về mặt xã hội, và môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, về tình hình thế giới thì còn có sự bất cập của một số cơ chế, chính sách chung; tình trạng chưa đồng bộ, chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật; việc biến động nhân sự lãnh đạo UBND TPHCM cũng ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng của TPHCM không như kỳ vọng.

Cũng bàn về chỉ tiêu phát triển kinh tế, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, dù đã đi 1/2 chặng đường thực hiện mục tiêu nghị quyết nhiệm kỳ nhưng thực chất mất hơn 2/3 thời gian để vượt qua và khắc phục hệ của đại dịch Covid-19. Do đó, không thể chỉ lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra để đánh giá kết quả thực hiện mà cần nhìn ở nỗ lực của cả hệ thống chính trị thông qua các chính sách, giải pháp nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

“Nếu nhìn ở khía cạnh này thì Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng về lĩnh vực quản lý kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng hơn là điểm tối”, TS Trần Du Lịch nhận định và cho rằng, nhìn bài toán phát triển TPHCM theo hướng bền vững không chỉ là tăng GRDP trong ngắn hạn mà phải hướng đến mục tiêu dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về TPHCM.

TS Trần Du Lịch trao đổi về các chỉ tiêu phát triển kinh tế của TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Trần Du Lịch trao đổi về các chỉ tiêu phát triển kinh tế của TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ thực tiễn điều hành kinh tế - xã hội những năm qua, TS Trần Du Lịch cho rằng, dù nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đến đâu, một khi đã xác định tiêu chí, bố trí nguồn lực tương xứng, đeo bám xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thì đều mang lại kết quả. Còn ngược lại, chậm xử lý sẽ bỏ lỡ cơ hội và khó khăn sẽ chồng chất khó khăn hơn.

Ứng dụng xu hướng mới của thế giới

Trong khi đó, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhìn nhận, thời gian qua, tầm quan trọng của văn hóa – xã hội và con người được Thành ủy, UBND TPHCM khẳng định trong các chỉ đạo, lãnh đạo.

Tuy nhiên, hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng văn hóa – xã hội đang gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn vốn đầu tư vào các lĩnh vực này còn hạn chế, kể cả đầu tư tư nhân. Trong 26 chỉ tiêu trực tiếp ảnh hưởng đến văn hoá – xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, có hơn 10 chỉ tiêu là thách thức lớn, cần sự cố gắng, tập trung, đẩy mạnh đầu tư, có cơ chế tương thích, vượt trội.

Phân tích nguyên nhân, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng có nguyên nhân khách quan là do quy mô dân số của TP tăng rất nhanh, biến động và chênh lệch lớn, tạo nên nhiều sức ép lên văn hóa – xã hội, con người. Hay dự án hạ tầng đô thị gặp nhiều vấn đề về thể chế.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về giải pháp, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, cần nhận thức việc đầu tư vào văn hoá – xã hội là phải là đầu tư lâu dài, phục vụ phát triển bền vững không chỉ cho thành phố mà cho cả vùng. Đồng thời, TPHCM cần liên kết ngành, vùng, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, phải thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân thông qua hình thức hợp tác công tư; ứng dụng xu hướng mới của thế giới bằng công nghệ thông tin và công nghệ số.

Nửa nhiệm kỳ còn lại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, chính quyền thành phố sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, thành phố chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để đây thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển thành phố…

TPHCM sẽ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM, đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai tổ chức chính quyền đô thị đồng bộ với chương trình Chuyển đổi số và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy nếu tiềm năng, lợi thế của thành phố không được chủ động bồi đắp, nuôi dưỡng bằng cơ chế, chính sách đúng tầm, nếu năng lực thực thi của các cấp, các ngành không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì không thể tạo nên những đột phá mới”, đồng chí Võ Văn Hoan nhìn nhận.

Dù vậy, đồng chí cũng cho rằng, để thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các nhược điểm trong xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách cần được khắc phục đúng bản chất, căn bản và đồng bộ. Ở đó, phải đánh giá đúng bản chất vấn đề và phải được giải quyết trong tầm nhìn, quyết sách chiến lược cấp quốc gia, vượt khỏi ranh giới hành chính cấp địa phương.

Tin cùng chuyên mục