Hạn chế quyền chủ động
Thực hiện Nghị quyết 54, HĐND TPHCM đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch với gần 1.850ha cho 32 dự án; quyết định 6 dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TPHCM và triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được 131 tỷ đồng. Cơ chế ủy quyền cho các ngành và địa phương giúp giảm bớt thủ tục hành chính. Chính sách chi thu nhập tăng thêm đã tạo được động lực làm việc cho đội ngũ cho cán bộ công chức, viên chức.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả khả quan, sau hơn 4 năm triển khai, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu của TPHCM đều chưa được tận dụng. Cụ thể, Quốc hội trao quyền cho TPHCM hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Thế nhưng, mãi tới năm 2021, Bộ TN-MT mới ban hành thông tư hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Trước đó, do chưa có hướng dẫn, TPHCM chưa thể ban hành quyết định cổ phần hóa với các doanh nghiệp này.
Phân cấp triệt để, toàn diện cho TPHCM |
TPHCM cũng chưa thu được khoản 50% tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết 54. Tới nay, mới chỉ có 2 cơ sở nhà đất thuộc diện này được Bộ Tài chính duyệt cho bán, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Một số loại thuế, phí cũng chưa thể tăng, hoặc thu rất khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. TPHCM cũng chưa ban hành được các loại phí để điều chỉnh hành vi, tăng thu ngân sách đầu tư phát triển, như phí thẩm định hồ sơ đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất, phí tạm giữ tang vật tại các kho bãi đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Nhìn lại bối cảnh thực hiện Nghị quyết 54, GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, Nghị quyết 54 ra đời nhằm tháo gỡ cho TPHCM 5 vấn đề, trong đó có phần giúp TPHCM về nguồn lực. Nhưng nguồn lực về ngân sách thì mãi tới năm 2022 TPHCM mới được điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21%. Việc bán tài sản công, cổ phần hóa cũng chưa thực hiện được nên nguồn lực không tăng. TPHCM có 5 năm để thực hiện Nghị quyết 54, trong đó 2 năm đầu là công tác chuẩn bị để 3 năm sau “tăng tốc”, nhưng đó cũng là thời gian TPHCM gặp dịch bệnh rất khó khăn. Nhìn lại thời gian thực hiện Nghị quyết 54, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhận định, một trong những khó khăn là quyền chủ động của địa phương còn hạn chế. Cơ chế nói chung vẫn còn nặng tính xin - cho.
Chưa phân cấp triệt để
Theo TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), Nghị quyết 54 chỉ đạt được kết quả ban đầu, không như kỳ vọng. Trước tiên là nhiều nội dung Nghị quyết 54 chưa phân cấp triệt để, tức là đã “cho phép” nhưng cho không dứt khoát, TPHCM chưa được quyền chủ động thực hiện mà vẫn phải ra Trung ương xin thêm cơ chế. TS Thái Thị Tuyết Dung dẫn chứng, Nghị quyết cho phép TPHCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TPHCM. Tuy nhiên, thực tế là TPHCM không thể chủ động trong việc này, mà phải qua rất nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản. Nếu các quy định này không thay đổi, thì cơ chế tự chủ của TPHCM cũng khó thực hiện.
Đặc biệt, TS Thái Thị Tuyết Dung phân tích, mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một “nguyên tắc tuân thủ” thống nhất. Dù điều 7, Nghị quyết 54 đã quy định nguyên tắc áp dụng văn bản, nhưng thực tế khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, nhiều trường hợp nghị quyết này không được ưu tiên áp dụng. Từ những phân tích trên, TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng, dự thảo Nghị quyết mới cần tránh việc đi vào giải quyết những vấn đề riêng lẻ, đề xuất trao quyền nhỏ giọt, thiếu thống nhất. Cần đề xuất trao quyền mang tính đột phá, bổ sung quy định cho TPHCM chủ động hoàn toàn trong ngân sách, chủ động trong huy động các nguồn lực xã hội hóa.
Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM: Cần chủ động, quyết liệt hơn
|
TS BÙI NGỌC HIỀN, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu (Học viện Cán bộ TPHCM): Khó huy động trong đầu tư do thí điểm
|