Hiện ở TPHCM có hơn 30 công trình cầu vượt dành cho người đi bộ.
Hầu hết, cầu vượt được bố trí xây dựng tại các khu vực đông dân cư, gần trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, bến xe, những cung đường lớn với nhiều làn xe...
Tuy nhiên, tình trạng người dân ngó lơ cầu vượt và ngang nhiên băng qua đường bất chấp an toàn giao thông vẫn tiếp diễn thường xuyên.
Ghi nhận thực tế khu vực Bệnh viện Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, mặc dù đã có cầu vượt nối liền hai khu bệnh viện để người dân có thể đi lại an toàn và thuận tiện, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn băng qua đường khi có nhu cầu.
Tại cổng bệnh viện, người ra vào thường xuyên giữa hai khu. Mỗi lần có người sang đường, các phương tiện đang tham gia giao thông phải giảm tốc độ để nhường đường. Không ít trường hợp qua đường bất chấp, khiến các phương tiện lưu thông phải dừng đột ngột.
Tương tự, tại khu vực Bệnh viện Ung Bướu TPHCM ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, mật độ giao thông thường xuyên đông đúc, phương tiện di chuyển tấp nập.
Để bệnh nhân, người dân sang đường thuận tiện, an toàn, tháng 6-2020, TPHCM đã xây dựng cầu vượt ngay trước cổng bệnh viện.
Đây là cầu vượt bộ hành được xem là hiện đại nhất khi trang bị thang máy hai bên đầu cầu nhằm hỗ trợ người bệnh đi lại dễ dàng. Dù vậy, nhiều người vẫn giữ thói quen băng ngang qua đường bất chấp dòng xe đông đúc. Họ len lỏi từng bước để sang bên kia đường.
Khi được hỏi vì sao không sử dụng cầu vượt, ông Tâm (68 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho rằng: “Đã quen sang đường kiểu này, cầu thang bộ rất dốc, nhiều bậc, tôi bị đau chân nên không thể bước lên bậc cao, đi thang máy thì lại phải chờ đợi mất thời gian”.
Cầu vượt Hoàng Minh Giám khu vực công viên Gia Định, quận Gò Vấp cũng xảy ra tình trạng tương tự. Do cầu được xây dựng gần ngã tư - nơi có tín hiệu đèn giao thông nên nhiều người lựa chọn đợi đèn chuyển màu đỏ sẽ di chuyển sang đường, thay vì sử dụng cầu vượt dành cho người đi bộ.
Quan sát trên đường Phạm Văn Đồng, quanh chân cầu vượt thường diễn ra tình trạng buôn bán, đổ rác hay đặt biển quảng cáo. Tuy hai bên cầu đã được bố trí bao đựng rác nhưng vỏ chai nước, vỏ bánh, kẹo... vẫn la liệt, thậm chí, thỉnh thoảng ở một vài gốc cây gần đó còn có vài ống kim tiêm.
Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn trở thành tụ điểm của tệ nạn xã hội. Theo nhiều người dân, đây cũng là một phần lý do họ e ngại sử dụng cầu vượt dành cho người đi bộ.
Thói quen băng qua đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cục bộ vì lượng xe lưu thông trên đường lớn.
Việc người dân băng qua đường ở nơi có cầu vượt bộ hành là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có mức phạt từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
Tuy nhiên, vì hành vi vi phạm này không được xử lý, cũng như không có người theo dõi, giám sát chặt chẽ nên không hình thành ý thức chấp hành cho người dân.
Ngày 30-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, tại Điều 9, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đã nêu rõ:
1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này
c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông
d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông
đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.