Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá về những lãng phí khiến cử tri và nhân dân bức xúc, quan tâm nhiều trong các năm qua là việc các công trình đầu tư công không phát huy được hiệu quả.
“Đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá kết quả rà soát và xử lý thực trạng này, đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp |
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo trước, đến nay chưa có kết quả khắc phục.
Theo bà Phạm Thúy Chinh, báo cáo của Chính phủ được trình bày theo hướng liệt kê các kết quả đạt được mà chưa có những đánh giá, phân tích về mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả THTK, CLP với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức, thu ngân sách.
Báo cáo về những tồn tại, hạn chế, bất cập chưa tương xứng với những nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ của những tồn tại đó; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế còn chung chung...
"Cùng với việc các bộ, ngành địa phương báo cáo không đúng thời hạn, báo cáo không đầy đủ, thiếu định lượng... sẽ là khó khăn rất lớn cho việc tổng hợp, báo cáo kết quả THTK, CLP của Chính phủ", cơ quan thẩm tra nhận xét.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp |
Báo cáo thẩm tra cũng đề cập những hạn chế cụ thể, trong đó có việc lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chưa sát thực tế, công tác quản lý, sử dụng NSNN còn một số hạn chế; chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Theo cơ quan thẩm tra, dự toán thu NSNN năm 2022 được xây dựng khá thận trọng, chưa thực sự sát với thực tế (năm 2022 thu NSNN tăng 403.800 tỷ đồng, cao hơn 28,6% so với dự toán).
Tỷ trọng thu ngân sách trung ương đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu NSNN. Cụ thể, theo số liệu quyết toán, đánh giá tình hình thực hiện NSNN hàng năm, tỷ trọng thu ngân sách trung ương trong tổng thu NSNN năm 2018 là 55%, năm 2019 là 54,3%, năm 2020 là 52%, năm 2021 là 52%, năm 2022 là 50,86%. Điều này gây ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước và các vùng theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Cơ cấu thu NSNN chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất (thực hiện đạt 209.000 tỷ đồng, vượt 74.000 tỷ đồng, tăng 54,8% so với dự toán), dầu thô (thực hiện đạt 78.000 tỷ đồng, vượt 49.800 tỷ đồng, tăng 176,7% so với dự toán), xổ số kiến thiết (vượt 6.300 tỷ đồng, tăng 18,4% so với dự toán).
Ngược lại, một số khoản thu đạt thấp, nhất là thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đạt 3.800 tỷ đồng, giảm 26.200 tỷ đồng (-87,2%) so với dự toán do tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư. Đó là, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư.
Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành. Đến nay, Chính phủ mới trình Quốc hội để phân bổ số vốn còn lại 279.992,317 tỷ đồng. Còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch . Nhiều dự án sử dụng vốn nước ngoài triển khai chậm, kéo dài thời gian thực hiện, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.