PHÓNG VIÊN: Vì sao chúng ta là nước mạnh về nông nghiệp nhưng ngành mía đường và nông dân trồng mía ngày càng khó khăn?
Ông PHẠM HỒNG DƯƠNG: Đã năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường thua lỗ do phải chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, giá thu mua cây mía đang rất thấp với nhiều nguyên nhân, từ việc tăng diện tích, năng suất, hàng tồn trữ cho đến đường lậu. Diện tích mía cả nước hiện có khoảng 300.000ha, tăng khoảng 10 lần so với năm 1995. Các nhà máy cũng đầu tư nhiều thiết bị hiện đại tăng năng suất, nhưng lượng tiêu thụ - đầu ra - rất chậm. Mùa vụ năm 2018-2019 thu hoạch rất nhiều, nhưng tồn kho từ vụ trước lớn. Nguyên nhân ngoài cạnh tranh không lại với giá đường lậu, ngành mía đường trong nước còn cạnh tranh với đường lỏng nhập khẩu: năm 2014, đường lỏng nhập khẩu 46.000 tấn, đến năm 2018 là 140.000 tấn - tăng hơn 3 lần.
Ngành mía đường Việt Nam đang phải cạnh tranh không lành mạnh với đường lậu từ Thái Lan. Nguyên nhân: Thái Lan đang có chính sách hỗ trợ để đường xuất khẩu có giá thấp hơn đường trong nước. Không bán được giá cao, nông dân Việt Nam sẽ ngưng sản xuất; các nhà máy, công ty đóng cửa thì đường nhập khẩu sẽ độc quyền, tăng giá cao. Việt Nam có nhiều cơ quan quản lý hàng lậu như hải quan, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường… cho nên cần có một đơn vị để quy trách nhiệm rõ ràng vì sao đường lậu vẫn vào ồ ạt. Song song với đường lậu, Việt Nam còn chịu áp lực từ đường lỏng sản xuất từ bắp biến đổi gene. Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm (như Philippines) hoặc một số bang thuộc Mỹ đã hạn chế sử dụng đường lỏng trong một số lĩnh vực. Về phía hiệp hội cũng đã đề nghị lên Chính phủ áp thuế hoặc cấm nhập khẩu đường lỏng, để ngành đường trong nước phát triển.
Ngành mía đường sẽ có những cơ hội và khó khăn nào khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương?
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đầu năm 2020, thuế suất cho mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN từ mức 5% giảm về 0%. Với thực trạng Việt Nam hiện nay thì sau khi tham gia ATIGA, dự kiến sẽ có khoảng một nửa nhà máy đóng cửa, số còn lại nhờ đầu tư mạnh về nguồn lực sẽ vẫn có cơ hội phát triển. Lợi thế thị trường mở rộng hơn, nhưng áp lực cạnh tranh về giá thành với các nước sản xuất đường trong khu vực càng căng thẳng. Chúng ta có lợi thế từ điều kiện tự nhiên, vị trí thuận lợi, cây mía ở nước ta không cần chăm sóc nhiều, áp dụng khoa học kỹ thuật cho giá thành sản xuất thấp, năng suất cao; nhưng để tồn tại, ngành mía đường Việt Nam cần phải có năng lực cạnh tranh “lõi”.
Đơn cử, Thái Lan từ khoa học kỹ thuật, vị trí địa lý, kinh nghiệm sản xuất… thì không hơn Việt Nam, nhưng ngành mía đường Thái Lan được sự hỗ trợ của chính sách, như nông dân sản xuất được hỗ trợ từ đầu ra - đầu vào, đến giá trong nước và xuất khẩu, đồng thời đưa rào cản với đường nhập khẩu vào. Để ngành mía đường có năng lực cạnh tranh “lõi” thì Nhà nước cần có chính sách trợ giá, cơ chế thị trường và đặc biệt quản lý buôn lậu thật tốt, để ngành mía đường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng trong hội nhập. Cuối cùng, Nhà nước phải có kế hoạch để ngành mía đường trong nước có giá tốt nhất và có thể xuất khẩu đi nhiều nước.
Để nâng cao giá trị sản xuất ngành mía đường, cần giải pháp như thế nào?
Trong bối cảnh cây mía đang có giá thành thấp, nhằm tăng giá trị cho cây mía cần cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh. Về phía nông dân, có thể trồng thâm canh, xen canh với các cây họ đậu, cây ăn trái hoặc nuôi gà tre. Cây mía tạo giá trị gia tăng rất lớn như ngọn mía làm thức ăn cho bò, bã mía cung cấp nhà máy phát điện, làm ống hút thân thiện môi trường, khay đựng trứng hoặc làm giá thể trồng cây, mật rễ làm nấm men của thức ăn gia súc…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân đầu tư giống, tài chính; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa tất cả các khâu tưới nước, bón phân; bao tiêu để tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng chi phí sản xuất thấp. Nhà nước hỗ trợ mua giá cao (như các nước khác đang áp dụng), đồng thời đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm phụ từ cây mía quy mô tập trung khép kín để giảm giá thành, chứ không nhỏ lẻ như hiện nay.