Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết, đề án đã khẳng định, việc cơ cấu lại DNNN là tổng thể các giải pháp như: cổ phần hóa, thoái vốn, các giải pháp nâng cao hiệu quả, sắp xếp lại DNNN, cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài không vực dậy được...
Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: Thời gian qua, nhiều người coi DNNN như những “đứa con hư”, cứ nhìn DNNN là chỉ thấy thua lỗ, yếu kém, sai phạm, vi phạm pháp luật. Cách nhìn này cũng khiến nhiều lãnh đạo DNNN tự ti, không muốn làm. Tuy nhiên, vừa qua, khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta thấy, khu vực DNNN vẫn thể hiện rõ là trụ cột của nền kinh tế. Do đó, đề án tái cơ cấu lần này tiếp tục khẳng định DNNN đóng vai trò trụ cột, có vị trí rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh…
Nếu trước đây chúng ta coi cổ phần hóa và thoái vốn là bán bớt vốn nhà nước đi, thu tiền về, chuyển đổi hết để thu gọn DNNN lại, lần này, thu gọn DNNN là thu gọn có trọng tâm, trọng điểm, giữ lại những doanh nghiệp (DN) nòng cốt, kiên quyết thoái vốn những DN không thuộc trọng tâm, trọng điểm. Những DN được giữ lại thì sẽ có chính sách hỗ trợ để phát triển hơn, không để DNNN tự bươn chải.
Việc cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN sẽ có lộ trình, lựa chọn. Những DN đang hoạt động hiệu quả, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách vẫn là những trụ cột lớn cho các ngành nghề. Ví dụ như, các công ty lương thực đang góp phần quan trọng để đảm bảo cân đối cung cầu, an ninh lương thực thì sẽ có lộ trình chứ không phải rút vốn ngay. Điều này chúng ta đã rút ra từ bài học thí điểm cổ phần hóa Vinafood2. Cổ phần hóa xong, DN này đã không còn phát huy được vai trò là một công ty góp phần đảm bảo cung cầu lương thực ở phía Nam như trước.
Tóm lại, mục tiêu của tái cơ cấu DNNN và cổ phần hóa lần này là tái cơ cấu thực chất, đúng bản chất chứ không phải là cổ phần hóa bằng mọi giá, tức là để sau cổ phần hóa, DN đó hoạt động tốt hơn.
Như vậy sẽ liên quan đến đầu tư của Nhà nước, vì vậy, cũng sẽ phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, thưa ông?
Đúng là Luật số 69/2014/QH13 cũng cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật DN và các luật về kinh tế khác nhằm thể hiện rõ hơn vai trò đầu tư của Nhà nước. Ví dụ, Luật số 69/2014/QH13 đưa ra 4 lĩnh vực đầu tư nhưng lại bỏ một số lĩnh vực có vai trò trọng tâm, trọng điểm như ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước. Ngân hàng thương mại là khu vực cung cấp vốn cho DNNN, nền kinh tế và đây cũng là khu vực đảm bảo nhiệm vụ an ninh tiền tệ quốc gia. Ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là DNNN và theo yêu cầu lớn mạnh thì Nhà nước phải đầu tư để họ phát triển mạnh hơn.
Một điều khiến cho hoạt động của DNNN có những hạn chế, khó hoạt động là sự can thiệp của chủ sở hữu, chưa thực sự phân cấp, phân quyền. Đề án lần này có khắc phục được vấn đề này?
Đó cũng chính là một trong những điểm nhấn trong đề án lần này, là điểm đột phá và mới so với tái cơ cấu giai đoạn trước. Đó là chúng ta sẽ cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho DN nhưng gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực. Trong đó, tách chức năng quản trị của DN, điều hành của DN với chức năng quản lý của chủ sở hữu.
Hiện nay, chủ sở hữu vẫn can thiệp vào hoạt động của DN, trong khi họ chỉ là chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại DN, còn hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN là thuộc về quản trị DN và do hội đồng thành viên, lãnh đạo DN quyết định. Chủ sở hữu vốn nhà nước là nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ quan tâm đến hiệu quả đồng vốn bỏ ra, còn nếu can thiệp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN sẽ trở thành cản trở.
Theo ông, cơ chế chính sách sẽ có những thay đổi gì để cổ phần hóa nhanh hơn, DNNN mạnh hơn?
Đây là một trong những quyết tâm của Chính phủ, và cũng là trọng tâm, trọng điểm mà Trung ương đã nêu ra. Trước hết, theo tôi là phải phát triển DN theo chuỗi, phát triển DNNN có vai trò dẫn dắt và phải tạo ra hệ sinh thái, môi trường để các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có DNNN. Làm được như vậy thì sẽ tăng năng lực cạnh tranh của khu vực DN Việt Nam, từ đó DN tiếp cận được chuỗi sản xuất của các DN xuyên quốc gia, DN FDI. Thứ hai là phải có cơ chế để DNNN đi đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng trưởng xanh.
Trong hội nghị Thủ tướng với DNNN ngày 24-3, các DN đã đề cập đến vấn đề tiền lương trong DNNN. Với cơ chế tiền lương hiện nay, DNNN không những không thu hút được người tài mà nhiều nguy cơ mất đi người giỏi. Vấn đề này tới đây có thay đổi gì không, thưa ông?
Để DNNN mạnh hơn thì cơ chế chính sách về tiền lương sẽ phải thay đổi theo hướng: người lao động hưởng lương theo năng suất, tiền lương tăng theo tốc độ tăng năng suất lao động; người quản lý hưởng theo hiệu quả quản lý. Vấn đề tiền lương đã được nêu lên từ lâu và lần này tiếp tục được đưa vào đề án để từ đó Bộ LĐTB-XH nghiên cứu, đưa ra cơ chế tiền lương phù hợp với kinh tế thị trường, gắn với hiệu quả của DN. Bộ LĐTB-XH vừa thí điểm cơ chế tiền lương ở Viettel, VNPT… dựa trên kết quả kinh doanh và năng suất lao động, thoát ly khỏi thang bảng lương cứng trước đây. Kết quả cho thấy đội ngũ cán bộ ở các DN này rất trách nhiệm với công việc.
Trong giai đoạn này, theo tôi, phải xây dựng nghị định thay thế nghị định trước đây theo hướng DN làm ăn hiệu quả thì lãnh đạo DN, người lao động có đồng lương xứng đáng. DN thua lỗ, yếu kém thì phải chịu lương thấp, theo đúng tình hình hoạt động của DN.
Lợi ích nhóm, “sân sau” là một vấn đề gây nên nhiều những yếu kém trong DNNN giai đoạn vừa qua. Chúng ta cần làm gì để triệt tiêu lợi ích nhóm, để DNNN không còn là “sân sau”? |