Nguy cơ thiếu hoặc thừa vi chất dinh dưỡng
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM không giấu được bức xúc khi nói về quy định chuyên ngành bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Theo đó, quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được Bộ Y tế ban hành năm 2016, buộc các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành phải tăng cường chất iốt vào muối iốt; tăng chất sắt, kẽm vào bột mì; tăng cường vitamin A vào dầu thực vật… Lý do được cơ quan chức năng đưa ra, nhằm ngăn chặn nguy cơ về những căn bệnh có thể phát sinh do thiếu các chất trên, như bướu cổ, chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng ở người trưởng thành, giảm phát sinh trí tuệ, không cải thiện tầm vóc con người…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định điều này không hợp lý. Tại cuộc họp góp ý về bất cập của quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng do Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM tổ chức, ông Vũ Thế Thành (chuyên gia độc lập, thành viên Hội đồng Tư vấn khoa học - thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM) cho rằng, thiếu hoặc thừa vi chất dinh dưỡng nói chung đều có hại cho sức khỏe. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu thiếu vi chất dinh dưỡng trên người dân chưa được thực hiện một cách đầy đủ và chi tiết. Do đó, không thể đánh đồng việc bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng cách buộc các thực phẩm chế biến phải bổ sung hàm lượng vi chất dinh dưỡng nhất định. Đó là chưa kể thể trạng của mỗi người khác nhau, chế độ dinh dưỡng cũng khác nhau nên nhu cầu cần bổ sung vi chất dinh dưỡng rất khác nhau. Ngoài ra, vi chất dinh dưỡng không nhất thiết phải bổ sung thông qua thực phẩm chế biến mà hoàn toàn có thể bổ sung từ nguồn thực phẩm thiên nhiên…
Còn ở góc độ kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc buộc phải bổ sung vi chất dinh dưỡng đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho sản phẩm của doanh nghiệp. Đại diện Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, nước mắm sau khi sử dụng muối có iod thì bị biến màu, nước có màu xỉn đen thay vì màu vàng. Thực tế này đã khiến người tiêu dùng quay lưng với nước mắm truyền thống. Riêng với doanh nghiệp sản xuất bột mì và sợi mì, không những bị giảm sút thị phần trong nước do sản phẩm bị biến màu sau chế biến, mà còn bị doanh nghiệp nhập khẩu từ chối mua hàng. Nguyên nhân là hiện hầu hết các nước trên thế giới không cho phép bổ sung vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu chế biến thực phẩm hoặc thực phẩm chế biến do lo ngại làm tăng nguy cơ thừa vi chất dinh dưỡng ở người.
Một số doanh nghiệp có nội lực phải gồng gánh bằng cách tách thành 2 dây chuyền sản xuất. Trong đó, một thì để phục vụ cho thị trường trong nước và đảm bảo tuân thủ quy định của các cơ quan chức năng còn đầu tư một một dây chuyền khác sản xuất chuyên làm hàng xuất khẩu không bổ sung vi chất dinh dưỡng. Thực tế này đã làm suy giảm rất lớn năng suất sản xuất cũng như nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp than rằng, họ không có cách nào khác trong khi chờ những kiến nghị của mình được các cơ quan chức năng điều chỉnh.
Giải pháp cho doanh nghiệp nội
Trái với những khó khăn của doanh nghiệp nội, doanh nghiệp ngoại lại đang có ưu thế khi mạnh tay phát triển thị phần tiêu thụ nội địa. Bởi, ngoài những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, hầu như họ không chịu sự chi phối nào từ những quy định liên quan đến hoạt động sản xuất chế biến lương thực - thực phẩm.
Trong khi đó, theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường BMI Research, người tiêu dùng sẽ dễ chấp nhận sản phẩm ngoại và đó là cơ sở để ngày càng nhiều thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản… đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Chỉ tính đến cuối tháng 8-2018, đã có hơn 350 doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đến tìm hiểu thị trường và đặt hệ thống đại lý, phân phối để đưa hàng vào Việt Nam. Đại diện Công ty CP Quảng cáo và hội chợ thương mại Vinexad cho biết, các đoàn doanh nghiệp ngoại khi tham gia hội chợ, triển lãm thường đã tìm hiểu rất kỹ về tiềm năng thị trường nên một khi quyết định tham gia đầu tư, họ thường sẽ không về tay không. Đồng thuận với quan điểm trên, Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM khẳng định, Việt Nam đang là quốc gia đầu tiên được Nhật Bản chọn trong chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm ra thế giới. Được biết, từ cuối năm 2017, Jetro đã phối hợp với các hệ thống Ministop, FamilyMart, Aeon tại Việt Nam triển khai dự án bán thử các mặt hàng thực phẩm Nhật Bản tại thị trường Việt Nam. Kết quả cho thấy, có khoảng 60% trong tổng số sản phẩm thử nghiệm được người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận. Do vậy, Jetro dự tính, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng xuất khẩu thực phẩm từ mức gần 10 triệu USD hiện tại lên thêm 30% trong năm tới.
Trước thực tế đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TPHCM cho rằng, doanh nghiệp nội phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Do vậy, ngoài việc cơ quan chức năng nhanh chóng tháo gỡ rào cản kỹ thuật chuyên ngành, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện đầu tư đổi mới trang thiết bị để tăng khả năng cạnh tranh với thực phẩm ngoại ngay trên sân nhà. Riêng với TPHCM, Hội Lương thực - thực phẩm kiến nghị thành phố dành khoảng 200ha đất quy hoạch làm khu công nghiệp cho doanh nghiệp chế biến. Việc kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần đẩy mạnh để giảm tỷ lệ máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao. Thay vào đó là trang thiết bị công nghệ nội địa đã sản xuất được. Đặc biệt, thành phố cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận gói kích cầu, vay vốn với lãi suất ưu đãi.