Việt Nam là một thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa nội địa, song dễ nhận thấy, ngoài sự khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang thì sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là do sự chuyển hóa từ chủ trương đưa ra các chính sách cụ thể cho sự phát triển công nghiệp văn hóa chưa có đột phá mạnh mẽ. Thiếu vắng các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư đã đặt ra bài toán khó cho sự phát triển bền vững.
Cụ thể như với điện ảnh, sản xuất chưa có ưu đãi về các loại thuế, chưa có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân tăng cường phát hành phim Việt Nam. Để xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam, chúng ta cần một sự đồng bộ về tư duy đổi mới và giải pháp cụ thể cho hai lĩnh vực cốt lõi là sáng tạo - sản xuất phim và phát hành - phổ biến phim.
Tương tự với công nghiệp biểu diễn, dù cũng đã xuất hiện những nghệ sĩ, những chương trình có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, song phần lớn nhận thức về công nghiệp sáng tạo còn yếu kém dẫn đến sự phát triển chậm, hạn chế sức cạnh tranh.
Từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của nhiều nước trên thế giới, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp, trong đó cần có một sự đồng bộ về tư duy đổi mới như xây dựng hệ sinh thái liên ngành để tạo đà cho công nghiệp văn hóa phát triển. Hệ sinh thái đó sẽ bao gồm các nhà quản lý, nhân lực ngành văn hóa, công chúng… để cùng nhau đưa những thay đổi cơ bản về chính sách như tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…
Đặc biệt hệ sinh thái đó phải lấy người sáng tạo, các sản phẩm sáng tạo làm trung tâm, đồng thời lấy thúc đẩy việc thưởng thức tiêu thụ sản phẩm văn hóa của chính người dân để làm mục tiêu hành động. Chỉ như vậy mới có thể nhanh chóng biến tiềm năng thành động lực, tạo nên sức bứt phá mới cho nền công nghiệp sáng tạo nói chung và nền kinh tế sáng tạo nói riêng.