Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, ở nhiều quốc gia, nhiều thương hiệu không dễ mất đi, việc giữ được thương hiệu không cần Nhà nước phải nắm giữ vốn mà quan trọng thương hiệu đó phải sống. Liên quan đến có ý kiến cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có thể đã cố tình lách luật đầu tư của Việt Nam để gián tiếp sở hữu trên 50% vốn, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng không nên phân biệt yếu tố trong nước và nước ngoài. Bởi vì, dù không vào Việt Nam dưới góc độ trực tiếp nhưng với việc có doanh nghiệp lập ở Việt Nam, vẫn nên cư xử với họ như doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng vừa qua, cần thiết phải sửa đổi một số luật hiện hành để tránh việc doanh nghiệp phải lách luật trong những tình huống tương tự.
Cũng theo Cục Tài chính doanh nghiệp, tính đến 20-12, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 213.747 tỷ đồng (gấp 6 lần giá trị thực tế tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016). Giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 88.390 tỷ đồng; tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 93.888 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 42.007 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 36.346 tỷ đồng…