Có bao nhiêu Nhạc Bất Quần ở Đức?

CHU ĐÌNH NGẠN
Có bao nhiêu Nhạc Bất Quần ở Đức?

Như vậy là vòng đấu bảng World Cup 2006 đã đi xong vòng đầu tiên, 32 đội đã trình làng với những phong cách rất khác nhau. Các nhà chuyên môn có lý khi bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với các đại gia như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, kể cả ứng cứ viên số 1 Brazil qua những gì họ thể hiện ở trận đấu đầu tiên.

Có bao nhiêu Nhạc Bất Quần ở Đức? ảnh 1
Cầu thủ Adriano - ngôi sao mới của bóng đá Brazil.

1. Có thể thấy các đội đến với vòng chung kết World Cup với những tâm trạng rất khác nhau. Nếu xem những ngày nóng bỏng này tại Đức (theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) là cuộc Hoa Sơn luận kiếm thì rõ ràng các kiếm sĩ châu Á và châu Phi đến với cuộc tranh tài trong một tâm lý vô cùng thoải mái.

Khi biết trình độ kiếm thuật của mình không có khả năng tranh chấp ngôi vị đệ nhất cao thủ, các kiếm sĩ xứ Phù Tang và Ba Tư có lẽ chỉ nuôi dưỡng trong đầu mơ ước lớn nhất là được phô diễn tài nghệ trước quần hùng.

Nhật Bản và Iran đã chơi một thứ bóng đá không hề toan tính và cái thua của hai đội này vào những phút cuối cùng trước Australia và Mexico có thể xem là những cái chết đẹp, đồng thời là một định nghĩa sang trọng cho phong cách của châu Á 2006: bóng đá cống hiến.

Châu Phi cũng thế, ngoại trừ Angola. Nhưng có lẽ giang hồ Trung Mỹ là nơi đẻ ra nhiều nhất những tay kiếm rụt rè: Trinidad & Tobago và Costa Rica gần như đã dùng đến một khối lượng lớn bê tông và cốt thép để bịt kín khung thành, biến trận đấu giữa họ với các đội khác giống như một sự thách thức về độ bền vật liệu khiến quai hàm người xem phải trễ xuống vì ngáp quá nhiều. Cũng may mà bên cạnh đó còn có thứ bóng đá hồn nhiên của các chàng trai Mỹ và thứ bóng đá tinh quái của các chàng cao bồi Mexico khiến bóng đá vùng Bắc Trung Mỹ không đến nỗi không có gì để mà xem.

2. Nhưng dù thế nào đi nữa, khi vòng một đã kết thúc với sự ra mắt đầy đủ của 32 đội, chính những màn trình diễn tẻ nhạt của các đại gia châu Âu mới là miếng mồi ngon nhất cho báo chí. Gần như tất cả các báo đều tập trung chê bai lối chơi thiếu sinh khí đặc biệt là của Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển ở trận đầu ra quân. Hà Lan và Đức có đỡ hơn một chút nhưng đó cũng là những Hà Lan và Đức mà khó khăn lắm người xem mới nhận ra. Chỉ có Argentina, Ý, Czech và Tây Ban Nha là giữ được bản sắc lẫn phong độ. Ngay cả các vũ công samba Brazil trong trận gặp Croatia cũng phô diễn những điệu múa vụng về đến khó hiểu.

Chuyện gì vậy ta? Hổng lẽ những ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vô địch World Cup đã bất ngờ đánh mất phong độ ngay vào thời điểm quan trọng nhất? Các nhà cái William Hill và Hilton Ladbrokes đã đến ngày sập tiệm rồi chăng?

Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến nhân vật Nhạc Bất Quần trong truyện Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Nhạc Bất Quần là chưởng môn phái Hoa Sơn thuộc Ngũ nhạc kiếm phái. Ngoại hiệu của y là “Quân tử kiếm” nhưng lòng y mưu mô thủ đoạn khó ai bì.

Có lần Nhạc Bất Quần rắp tâm tranh đoạt ngôi Minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái với Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn. Kiếm pháp của Nhạc Bất Quần có thể xếp vào bậc cao minh, “Tử hà thần công” của y cũng ở trình độ khá cao. Để đánh lừa họ Tả, lúc giao đấu với Lệnh Hồ Xung trên chùa Thiếu Lâm trước mặt các đại cao thủ như Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, Nhậm Ngã Hành, Tả Lãnh Thiền, y thi triển kiếm pháp bề ngoài tuy có vẻ tinh kỳ nhưng thực ra cố tình để lộ vô số sơ hở để họ Tả coi thường.

Để chắc ăn hơn nữa, lúc vung cước đá Lệnh Hồ Xung, y ngầm vận nội công tự chấn gãy chân mình. Chứng kiến cảnh đó, Tả Lãnh Thiền cho rằng nội lực của Nhạc Bất Quần chỉ vào loại tầm thường, bởi phàm người nội lực tinh thâm thì khi phát động đánh người dù chẳng đả thương được đối phương cũng quyết không để chính mình phải tổn thất. Từ bữa đó, Tả Lãnh Thiền không cần lưu tâm đề phòng họ Nhạc nữa. Kết quả sau này lão bị Nhạc Bất Quần trổ tuyệt chiêu đánh cho không còn manh giáp.

3. Nếu ai đã từng biết qua nhân vật Nhạc Bất Quần ắt hẳn không khỏi liên tưởng cú “tự chấn gãy chân mình” của y với lối đá “tầm thường” của Brazil hay “để lộ vô vàn sơ hở” của Đức. Khác với các đội bóng đến từ châu Phi, châu Á, mục tiêu của các đại gia như Brazil, Anh, Pháp, Đức... rõ ràng là nhằm đoạt ngôi minh chủ. Họ vừa đá vừa toan tính nên tránh gặp kình địch nào ở vòng hai, khi nào thì nên hiển lộ võ công, lúc nào thì làm ra vẻ nội lực ta đây chẳng có gì đáng kể nhằm đánh lừa đối thủ. Mà đối thủ của họ thì nhiều: Muốn lên ngôi chí tôn của võ lâm, họ phải tử chiến cả thảy là 7 trận.

Cho nên những thất vọng ngày đầu đến từ các ứng cử viên vô địch cũng không lấy gì làm lạ. Binh pháp phương Đông từng khẳng định “Binh bất yếm trá”. Để tranh ngôi đoạt báu, gãy chân thiệt như Rooney hay Cisse thì mới sợ chứ vận nội công tự chấn gãy chân mình để lừa thiên hạ như họ Nhạc e rằng những ngày này có lắm kẻ làm theo!

CHU ĐÌNH NGẠN

Tin cùng chuyên mục