Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ, trên cơ sở rà soát sơ bộ chi phí đầu tư và phương án tài chính của các dự án BOT, Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính có các văn bản triển khai việc rà soát, điều chỉnh mức thu phí đường bộ; đồng thời đàm phán thống nhất với các nhà đầu tư để giảm mức phí tại các trạm thu phí của các dự án BOT.
Tính đến thời điểm này, trong tổng số 73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm 55 trạm thuộc các dự án BOT đã hoàn thành đi vào khai thác và 18 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện đầu tư, chưa thu giá dịch vụ), Bộ GTVT đã triển khai thực hiện giảm giá 38 trạm.
Cụ thể, đối với 55 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã thực hiện giảm giá đối với 31 trạm; 18 trạm hiện có mức thu thấp theo quy định, chưa thực hiện giảm giá; 6 trạm còn lại chưa giảm giá do nhà đầu tư chưa thống nhất điều chỉnh giá.
Đối với 18 dự án đang thực hiện đầu tư, đã thực hiện giảm giá đối với 4 trạm; 9 trạm có mức thu thấp theo quy định, chưa thực hiện giảm giá; 5 trạm còn lại chưa giảm giá do nhà đầu tư chưa thống nhất điều chỉnh giá.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, Tổng cục đang rà soát với chủ đầu tư dự án để thống nhất điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí cũng như giảm chung cho các phương tiện.
Việc rà soát, đàm phán dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10 để Tổng cục đề xuất Bộ GTVT xem xét, phê duyệt giảm phí. Nếu được thông qua, tháng 11 tới sẽ tiến hành giảm phí tại các trạm BOT.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát mức phí cụ thể cho lộ trình từ Bắc vào Nam. Theo đó, ôtô đi từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu qua 29 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 phải nộp mức phí tối đa là 4,54 triệu đồng mỗi xe, trong khi lộ trình cao tốc mức phí là 4,8 triệu đồng mỗi xe.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, cả nước hiện có 70 trạm BOT đang thu phí trên các tuyến Quốc lộ, có 10 trạm khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.