Đây là hoạt động do Ban Chấp hành Đoàn Saigon Co.op, Ban Chấp hành Đoàn Sở Công thương TPHCM, Ban Chấp hành Đoàn Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Chương trình đã tổ chức một chuyến bán hàng bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ người dân xã đảo Thạnh An; trao tặng 120 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng 15 phần quà cho gia đình chính sách, có công với cách mạng; tư vấn, khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho 325 người dân tại địa phương.
Trong khuôn khổ chương trình, Citenco đã tham gia hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; các đoàn viên thanh niên Citenco cũng hướng dẫn người dân nhận biết và phân loại chất thải nguy hại, chất thải tái chế. Toàn bộ gần 100kg chất nguy hại bao gồm ắc quy, các loại bóng đèn, pin... thu gom tại chương trình đã được Chi nhánh Dịch vụ môi trường vận chuyển và đưa về công trường Đông Thạnh để xử lý.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, trong thời gian qua, công ty đã hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp mở các cuộc vận động người tiêu dùng, cộng đồng dân cư thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nhằm tăng khả năng tái chế, giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường. Ngoài ra, công ty còn vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng sản phẩm cá nhân thay cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần hoặc sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường. Các cuộc vận động này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người dân trong cả nước. Đặc biệt, tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op, người tiêu dùng đã hưởng ứng bằng cách sử dụng túi đi siêu thị nhiều lần thay cho sử dụng túi ni lông để đựng hàng hóa.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Minh Nhựt cũng nhấn mạnh, công ty đã tăng cường đầu tư công nghệ xử lý tái chế chất thải nhựa để tăng khả năng tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa. Hiện nay, công ty đang vận hành hệ thống tái chế nhựa với công suất 2 tấn/ngày. Với hệ thống này, nguyên liệu chất thải nhựa không nguy hại sau khi phân loại sẽ được tẩy rửa sạch cặn bẩn, sấy khô trước khi băm thành dạng mảnh nhựa. Mảnh nhựa sau quá trình xử lý sẽ được chuyển cho các nhà máy và trở thành nguồn nguyên liệu tái chế tạo thành các sản phẩm như quần áo, túi nhựa, đồ nội thất…
Đại diện Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, bao bì nhựa là sản phẩm không thể thiếu trong quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm. Hiện lượng nhựa sử dụng để đóng gói bao bì trong ngành hàng tiêu dùng nhanh đã và đang tăng nhanh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, nhất là sinh thái biển. Do vậy, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhiều giải pháp để buộc nhà sản xuất phải tăng tỷ lệ nhựa tái chế trong quá trình sản xuất và đóng gói bao bì. Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam không khuyến khích nhập khẩu nhựa tái chế thì việc tăng cường xử lý rác thải nhựa thành nguồn nguyên liệu nhựa tái chế, phục vụ cho hoạt động sản xuất là rất cần thiết.
Điều này vừa giúp giảm thải nhựa đã qua sử dụng, vừa giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái môi trường. Đồng thời việc tăng nguồn nguyên liệu nhựa tái chế trong nước cũng sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi xuất khẩu hàng hóa, bởi các nước đang thắt chặt “tín chỉ xanh” trong sản xuất và tiêu dùng.