Của ít lòng nhiều
Cơ quan chức năng phong tỏa hẻm 54/8 đường Hồ Học Lãm vì có ca F0 đến ở, với 29 trường hợp tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung.
Xe chở gạo dừng lại theo hướng dẫn của lực lượng giữ chốt ở địa phương, 140 phần gạo được người dân ở 140 hộ trong hẻm ra nhận từng đợt một. Câu chuyện sẻ chia diễn ra trong im lặng cùng những cái gật đầu như một lời chào và cảm ơn, bởi ai nấy tuân thủ 5K nghiêm ngặt. Kết nối qua điện thoại, anh H.P.T. (40 tuổi, công nhân, ngụ hẻm 54/8) kể: “Từ hồi bị phong tỏa tới giờ cũng 4 - 5 ngày rồi. Trong nhà có gì ăn nấy, mạnh thường quân có người gửi rau củ, người gửi đồ ăn nấu sẵn. Bữa nay nghe điện thoại của quản lý khu trọ nói là có Báo Sài Gòn Giải Phóng tới tặng gạo, tụi tui mừng quýnh. Tuân thủ quy định phong tỏa, không ai ra ngoài được nên cũng phập phồng sợ trong nhà hết gạo”.
Theo lời anh T., 140 hộ trong hẻm trọ đa phần là công nhân ngoại tỉnh, như anh T. là dân An Giang, trọ hơn 5 năm. “Dịch giã, rồi cách ly, phong tỏa cũng làm cuộc sống mình bị ảnh hưởng nhiều lắm. Xóm trọ toàn công nhân không hà, không đi làm là không có tiền đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước…, thành ra mạnh thường quân ai gửi chút gì cũng quý hết. Nay được chục ký gạo cũng nhẹ lo bớt phần nào, có gạo nấu cơm là xong bữa”, anh T. chia sẻ.
Mang chút hỗ trợ đến với bà con đang gặp khó khăn trong mùa dịch, chúng tôi cũng chỉ dừng lại trong sự cho phép và hướng dẫn của lực lượng tại địa phương. Mọi kết nối trò chuyện đều thực hiện qua điện thoại. Đầu dây bên kia, giọng chị L.T.Y.N. (35 tuổi, công nhân) xúc động: “Tui trọ ở hẻm này đã 7 năm rồi, nhiều bạn bè trong công ty tui làm cũng ở trọ trong hẻm này, thành ra bị phong tỏa là cả nhóm chịu trận chung. Nhà tui có con nhỏ, nên phải gọi điện thoại cho bạn bè bên ngoài, coi ai không bị cách ly thì mua giùm miếng thịt để kho nấu cho tụi nhỏ. Còn vợ chồng tui có gạo nấu cơm là yên tâm rồi”.
Phần gạo 10kg, xách không quá sức người, mua cũng không quá đắt, nhưng “quý ở cái tình và đến kịp lúc”, chị N. nói. “Hẻm trọ nhà mình bị phong tỏa thì phải chịu thôi. Không đi làm được, tiền bạc cũng eo hẹp nên mạnh thường quân gửi cho cái gì cũng mừng, cũng cảm ơn nhiều lắm. Mình ở trong này, mọi người bên ngoài vẫn gửi đồ hỗ trợ là quý lắm, có gạo thì không lo đói rồi, còn lại mặn lạt gì cũng xong bữa, no bụng”, chị N. tâm sự.
“Ở trong này, gửi mấy anh dân quân trực bên ngoài mua đồ giùm cũng được nhưng mà gửi ít thôi chứ gửi hoài, tội nghiệp mấy ảnh chạy tới chạy lui. Mình chịu phong tỏa ở trong nhà, còn mấy ảnh ngồi ngoài trời mưa nắng, che tạm có mấy cây dù. Nhà có gạo là tui yên tâm hà, công nhân mà, ngày thường cũng đâu có ăn uống cao sang gì mà đòi hỏi, được chục ký gạo đỡ lắm à nghen”, anh H.P.T. chia sẻ. Và trước khi gác máy, giọng anh thiệt thà không quên cảm ơn chúng tôi lần nữa: “Cảm ơn mấy anh chị em lần nữa nha. Cảm ơn nhiều lắm nha! Có gạo tui bớt lo rồi”. |
Quý nhau lúc khó
Đón chúng tôi từ đầu hẻm 54 Hồ Học Lãm, chị Nguyễn Thị Lắm (trưởng khu phố 2, phường 16, quận 8) tận tình hướng dẫn chỗ cho xe chở gạo đậu để giữ khoảng cách an toàn cho chúng tôi. 140 phần gạo lần lượt được mọi người trong xóm trọ nhận, 60 phần còn lại gửi đến bà con khu tái định cư đang bị phong tỏa cũng thuộc phường 16, quận 8. “Hiện giờ, bên đó đang phong tỏa nghiêm ngặt lắm, vì có ca F0, nên 60 phần gạo này sẽ chuyển về phường để tạm, khi nào cơ quan chức năng có hướng dẫn tiếp nhận, phường sẽ mang đến cho bà con”, chị Lắm chia sẻ.
Vài ngày qua, rau củ, thức ăn nấu sẵn cũng được gửi đến người dân trong hẻm 54/8. “Cũng giờ này, có mạnh thường quân gửi rau củ quả tới, còn sáng sớm có bữa có người gửi bánh mì. Báo Sài Gòn Giải Phóng là đơn vị đầu tiên tới hỗ trợ gạo bà con. Tôi cảm ơn và mừng nhiều lắm, trong lúc này hỗ trợ một chút cũng là quý. Hẻm bị phong tỏa, người dân ở yên trong đó chứ đâu có ra vô gì được, nên cũng nhờ mạnh thường quân nơi này nơi kia gửi đồ hỗ trợ. Lúc khó khăn như thế này, túi gạo, bó rau đến kịp thời để mọi người trong hẻm trọ đỡ lo chuyện ăn uống. Chúng tôi rất trân quý những tấm lòng đã sẻ chia kịp thời cho người dân trong hẻm”, chị Lắm bộc bạch.
Có lẽ, điều ý nghĩa nhất của việc sẻ chia là cái tình đến kịp lúc người ta cần, nhất là khi thành phố đang hàng ngày chống chọi với dịch bệnh, sự sẻ chia kịp lúc là điều mà những người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng có thể làm được ngay lúc này. Theo kế hoạch, Xe gạo nghĩa tình của Báo Sài Gòn Giải Phóng lăn bánh từ ngày 14-6, nhưng kế hoạch của chúng tôi diễn ra sớm hơn 1 ngày. Theo ngỏ ý từ huyện Củ Chi, Xe gạo nghĩa tình đến sớm vào ngày 12-6 để ngày 13-6, địa phương tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” kịp thời cho bà con trong khu vực bị phong tỏa. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, bày tỏ: “Xã rất vui vì Báo Sài Gòn Giải Phóng hỗ trợ nhiệt tình. Những bó rau củ quả, bịch mì, túi gạo và nhu yếu phẩm khác kịp thời gửi tới bà con để mọi người yên tâm, thực hiện tốt việc phong tỏa và tâm lý không hoang mang, lo lắng sẽ thiếu thốn…”.
Những ngày qua, TPHCM không thiếu những bếp ăn từ thiện hoạt động hết công suất để gửi những phần ăn nóng hổi cho lực lượng tuyến đầu, khu vực phong tỏa… Xe gạo nghĩa tình của Báo Sài Gòn Giải Phóng mong muốn góp thêm một phần nhỏ vào sự chung tay ấy, để tình người gần hơn trong những ngày khó khăn, để không ai bị bỏ lại và kịp thời được hỗ trợ trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Và chúng tôi cũng mong muốn, có thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng, cùng tập thể những người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng, đem sự sẻ chia qua những chuyến xe chở nghĩa tình đến với bà con.
* Chương trình Xe gạo nghĩa tình Báo Sài Gòn Giải Phóng đợt đầu diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17-6-2021. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trích quỹ từ thiện mua 10 tấn gạo gửi đến 1.000 người lao động khó khăn tại các khu vực bị phong tỏa của các quận 8, Bình Tân, Gò Vấp và 2 huyện Củ Chi, Nhà Bè. Ngay trong ngày đầu tiên khởi động, báo đã nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn động viên, khuyến khích tiếp tục phát động chương trình. |