Chiều ngày 3-7, chương trình tổng kết hành trình xuyên Việt “Chuyến xe không tiền mặt” - thuộc chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2022 do Ngân hàng Nhà nước và Báo Tuổi Trẻ tổ chức - diễn ra tại TPHCM.
Trải qua 1.719km trong suốt 2 tuần, “Chuyến xe không tiền mặt” đã hoàn tất hành trình xuyên Việt từ Hà Nội qua các tỉnh thành Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… và kết thúc tại TPHCM để quảng bá về vai trò, ý nghĩa của thanh toán không tiền mặt với người dân.
Chuyến xe này đã tiếp cận hơn 20.000 người dân ở khắp các tỉnh, thành phố nơi chuyến xe đi qua, từ đó góp phần vào tiến trình thực hiện Đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, dọc theo hành trình từ Bắc vào Nam, người dân đã rất hào hứng và vui thích khi được trải nghiệm các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử, dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)… cùng với các chương trình ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn. Thông qua các hoạt động thân thiện, gần gũi, chuyến xe không tiền mặt đã mang đến nhiều trải nghiệm thực tế về công nghệ thanh toán hiện đại, từ đó, lan toả tích cực thông điệp về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM chia sẻ: chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt có mối quan hệ gắn liền với kinh tế TPHCM. Các hoạt động phổ biến thói quen không tiền mặt mang ý nghĩa lớn, không dừng lại ở những chuỗi ngày hoạt động quảng bá, hay hành trình hàng ngàn km chuyến xe đi qua, mà còn tác động đến nhiều người dân, giúp nhiều thanh niên, công nhân thay đổi thói quen để chuyển sang thanh toán không tiền mặt.
Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện có rất nhiều công cụ, phương tiện, hệ thống quy định pháp luật khuyến khích sử dụng thanh toán không tiền mặt. Sở Công thương TPHCM cũng xem đây là tiện ích lớn hỗ trợ người tiêu dùng. Điển hình là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, thanh toán không tiền mặt đã giúp ích rất nhiều người dân trong việc thay đổi thói quen thanh toàn từ tiền mặt sang các phương tiện thanh toán không tiền mặt.
Sở Công thương TPHCM cũng khuyến khích các chuỗi cung ứng tham gia hoạt động thanh toán không tiền mặt.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động phi thương mại, dịch vụ bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TPHCM cũng đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những hoạt động như chương trình khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt có tác động tích cực đến sự hồi phục phát triển kinh tế của TPHCM.