Bởi vậy nên khi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, nhiều người đã nán lại thật lâu bên hiện vật trưng bày là viên gạch màu nâu, được giới thiệu là viên gạch cùng loại, cùng thời với viên mà Bác Hồ đã sử dụng những ngày hoạt động trong lòng thủ đô nước Pháp.
Món quà của ông Tổng Lãnh sự Pháp
Những câu thơ của Chế Lan Viên bắt nguồn từ một câu chuyện thực tế. Trong thời gian từ tháng 7-1921 đến tháng 3-1923, Nguyễn Ái Quốc ở trọ tại nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Paris. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên có ghi mấy dòng về cuộc sống của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp: “Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều về, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào những tờ báo cũ rồi để xuống nệm cho đỡ rét”.
“Viên gạch hồng” ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM từ đâu mà có? Tại bảo tàng, mỗi hiện vật đều có một lịch sử, mang trong mình những câu chuyện riêng. Theo tài liệu mà bảo tàng đang lưu giữ, viên gạch sưởi trưng bày làm bằng đất nung, màu nâu, kích thước 12 x 22 x 3,5cm. Điều thú vị là viên gạch này cùng loại, cùng thời với viên gạch mà Bác Hồ đã sử dụng.
Biên bản sưu tầm tư liệu do bảo tàng lập cho hay, viên gạch này do ông Jean François Parot, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM, tặng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2-9-1984. Sau lần đến thăm khu lưu niệm, ông đã viết thư cho bà ngoại và cử người về Paris thuyết phục, xin bà ngoại viên gạch để tặng cho Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo ông Tổng Lãnh sự, nước Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vẫn còn nghèo. Ngay tại thủ đô Paris vẫn còn nhiều vùng chưa có điện. Để chống lại giá rét mùa đông, người ta sản xuất ra một loại gạch sưởi, bên trong được cấu tạo thành nhiều ngăn, nhiều lớp để tích tụ nhiệt. Ban ngày trước khi đi làm, người ta đặt viên gạch vào cạnh lò sưởi; khi đi ngủ người ta đặt viên gạch dưới giường nằm cho ấm. Viên gạch này là kỷ vật của bà ngoại ông Jean François Parot. Bà đã giữ lại suốt hơn nửa thế kỷ như kỷ niệm về một thời nghèo khó. Và kỷ vật gia đình ông Tổng Lãnh sự đã được Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM - gìn giữ như báu vật mấy chục năm qua.
Những hiện vật kể chuyện
Công tác tại bảo tàng 11 năm qua, thuyết minh hướng dẫn cho rất nhiều đoàn khách, chị Trương Thị Thanh Nhã, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền - Giáo dục, cho biết viên gạch sưởi là một trong những hiện vật được nhiều khách tham quan đặc biệt quan tâm.
Đứng lẫn trong đoàn khách nghe thuyết minh về cuộc đời Bác Hồ, có hai bà cháu người miền Trung cứ rưng rưng mãi. “Tôi ở quê, lần đầu được đi tham quan, nhìn thực tế khác với tưởng tượng, coi tivi cũng không hình dung hết”, bà Nguyễn Thị Thành (82 tuổi) nói. Nghe vậy, người cháu là anh Nguyễn Thành Trí đỡ lời: “Bà mình cũng giống như người lớn ở quê, “mê” Bác Hồ lắm. Ngày Bác mất, mình nghe kể cả làng đã tập trung nghe đài phát thanh báo tin và khóc rất nhiều”.
Hai bà cháu cũng nán lại thật lâu trong phòng trưng bày chuyên đề Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ. Tấm hình Bác Hồ đang xem tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu khiến bà Thành xúc động. Tới xem hiện vật nào hai bà cháu cũng bàn luận rất rành rẽ. Riêng có bức thư của Bác Hồ viết cho đồng chí Lê Duẩn bàn các phương án đưa Bác vào thăm miền Nam năm 1968 là bà mới thấy lần đầu.
“Viên gạch hồng” qua năm tháng vẫn bền màu, là minh chứng cho những ngày thanh niên sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. “Viên gạch hồng”, hay chính ngọn lửa hoài bão, ý chí trong tim đã thôi thúc Người vượt qua những “gió rét thành Ba Lê”, những “sương mù thành Luân Đôn” dài đằng đẵng. Những bước chân qua bảo tàng nán lại lâu hơn, những ánh mắt tròn xoe rồi rưng rưng khi nghe chuyện của Người, là minh chứng cho tình cảm của những người dân nước Việt, những người mà Bác Hồ sinh thời xem như con cháu…