Người đi cùng chúng tôi - đồng chí Trần Văn Mẹt, Bí thư chi bộ, Trưởng ban nhân dân ấp Bàu Trăn - hào hứng cho biết: “Sắp tới, ông Nguyễn Văn Trải sẽ vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Thành công với trang trại rau
Lần đầu gặp ông Trải đúng lúc ông đang ở vườn, cùng những người công nhân thoăn thoắt hái từng trái bí, rồi xếp đặt cẩn thận vào từng rọ đã phân loại: trái loại 1, trái loại 2. Tôi hỏi ông: “Đã làm chủ, sao bác còn phải tự mình ra vườn thu hoạch cùng nhân công?”. Cất tiếng cười rổn rảng, ông Trải giải thích: “Tôi là nông dân chính hiệu. Người làm ở đây như con cháu trong nhà. Mà đã là người thân thì không có chuyện chủ - tớ”.
Kể về buổi đầu lập nghiệp, ông Trải cho biết vốn là nông dân gắn bó cùng đồng ruộng, trăn trở với cái đói, cái nghèo, nên ông thấy xót lòng khi thấy đất bỏ hoang. Năm 2004, sau khi được huyện hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo, ông bàn với vợ vay mượn thêm của người thân, bạn bè, rồi thuê lại đất của dân để chuyên canh trồng rau sạch. Thuê được đất, ông dồn công sức, tiền bạc vào cải tạo, san lấp mặt bằng, vét đất làm đường đi… được 2ha. Nhờ đảm bảo quy trình trồng và tạo dựng được uy tín với thương lái, ông nhanh chóng mở rộng diện tích canh tác lên 5ha, 10ha, đến nay là trên 20ha.
Để chủ động cung cấp đa dạng các loại sản phẩm ra thị trường, ông Trải chia đất ra từng khu riêng biệt, trồng các loại rau, củ, quả khác nhau như bầu, bí, dưa leo, cà, khổ qua… Cây trồng được lên liếp thẳng tắp, có giàn bằng tre. Ông Trải tính toán chọn “điểm rơi” của giá cả, mùa vụ, nhằm bố trí trồng cây cho hợp lý. Ông còn tận dụng các liếp đất có sẵn để trồng xen canh các loại cây khác. Chẳng hạn như trồng xen cà pháo trên các liếp bí, liếp dưa…; hoặc khi thấy màng phủ ni lông còn tốt, ông kêu người nhổ gốc dưa leo đi để gieo hạt bầu vào đó.
Do thổ nhưỡng thuận lợi cùng với được chăm bón kỹ, cây trái ông Trải trồng phát triển xanh tốt và cho hoa, quả quanh năm. Rau, củ, quả được ông cung cấp ra thị trường bình quân 3 - 4 tấn/ngày, lúc cao điểm lên đến hơn 10 tấn/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, trong đó hầu hết là bà con người dân tộc Khmer, với mức thu nhập dao động 150.000 - 250.000 đồng/người/ngày. Sau khi trừ chi phí, ông Trải thu lời trên 1 tỷ đồng/năm.
Chăm lo người nghèo
Nói về người nông dân tiêu biểu này, Bí thư chi bộ Trần Văn Mẹt kể lại, cách đây hơn 10 năm, khi huyện Củ Chi có chủ trương khuyến khích người dân khai hoang, phục hóa, phủ xanh đất trống, ông Trải đứng ra nhận đất. Và ông đã thành công chỉ với hai bàn tay trắng và sự cần cù, sáng tạo trong công việc. Ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là tấm gương tiên phong, dám nghĩ, dám làm và có tinh thần tương thân tương ái. Khi công việc ổn định, ông tiếp tục tạo công ăn việc làm cho người nghèo từ địa phương khác về xã lập nghiệp.
Đồng chí Trần Văn Mẹt cho biết, ấp Bàu Trăn có 359 hộ, tương ứng trên 1.200 nhân khẩu, với diện tích 383ha đất nông nghiệp. Đa số các hộ dân trước đây làm nông nghiệp manh mún. Ông Trải đã phối hợp cùng Hội Nông dân xã Nhuận Đức tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cho bà con hội viên, nông dân và nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Toàn ấp hiện nay có trên 20 hộ dân đang canh tác rau màu theo mô hình của ông Trải, với mức thu nhập ổn định gần 30 triệu đồng/hộ/tháng. |
Điển hình như gia đình bà Thạch Thị Chánh Tha (46 tuổi, người dân tộc Khmer, quê Sóc Trăng), có chồng và 2 người con làm công nhân cho ông Trải 5 năm nay. Mỗi tháng thu nhập của gia đình bà Tha từ 20 - 25 triệu đồng. “Từ khi lên đây làm cho ông Trải, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn dưới quê rất nhiều. Không phải lo cái đói đeo đuổi”, bà Tha nói. Còn anh Tăng Thương (30 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết, anh làm cho ông Trải đã hơn 10 năm. Ở đây công nhân được chăm lo tốt về đời sống, đặc biệt có việc làm quanh năm. Riêng đối với anh, 2 vợ chồng được ông Trải tạo điều kiện cất nhà cho ở, không phải ở thuê bên ngoài. Mỗi tháng anh có thu nhập 7 triệu đồng, vợ anh cũng làm thêm các công việc trong trại rau nên cuộc sống ổn định.
Ngoài công việc làm ổn định, những lúc ốm đau hoặc gia đình ở quê có việc đột xuất, các công nhân còn được ứng trước tiền lương để trang trải. Anh Tăng Đin (37 tuổi, quê Sóc Trăng) kể thêm: “Trong quá trình làm việc ở đây, tôi cũng như anh Tăng Thương được ông Trải giới thiệu rồi se duyên với người cùng làm. Khi đó vợ tôi không chịu vì chê tôi nghèo, hổng biết ông “tư vấn” thế nào mà rồi chấp nhận làm vợ tôi. Tiền cưới hỏi cũng được ông cho ứng trước. Giờ mỗi sáng thức dậy, thấy hai con tíu tít đến trường, tôi thấy mình thật may mắn”.
Ông Trải chia sẻ: Tâm niệm lời dạy của Bác “Lao động là vinh quang, có lao động thì phẩm giá, nhân cách con người mới được rèn luyện, nâng cao”, tôi luôn nỗ lực mở ra hướng phát triển kinh tế để làm giàu trên chính quê hương mình.