Tâm niệm lời dạy của Bác Hồ
Sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân yêu nước ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, năm 18 tuổi, bà Nguyễn Thị Thăng tham gia Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc xã. Cùng năm đó, bà được anh trai là ông Nguyễn Xuân Trọn (cán bộ tiền khởi nghĩa) đang công tác ở Ty Công an tỉnh Phú Thọ giới thiệu về học lớp đào tạo tại Trường Công an Trung ương (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Lớp học kết thúc đúng thời điểm đầu tháng 10-1954 và nữ công an trẻ Nguyễn Thị Thăng được phân công về công tác tại Sở Công an Hà Nội. Bà cũng vinh dự cùng lực lượng công an tiến về tiếp quản thủ đô vào ngày 10-10-1954. Cách mạng cũng là “bà mối” nhân duyên cho nữ công an Nguyễn Thị Thăng nên duyên với ông Trương Cao Khoảng (thành viên của Đội du kích Ba Tơ danh tiếng).
Năm nay đã 88 tuổi, nhưng tiếng nói và phong thái của cựu Trung tá Nguyễn Thị Thăng vẫn đậm khí chất mạnh mẽ, dứt khoát của người cán bộ công an nhân dân. Bà vẫn còn nhớ như in nhiều kỷ niệm khi khám phá các vụ án, cảm hóa các đối tượng tội phạm. Với phẩm chất người công an, mỗi lúc thực thi công vụ, bà đều tâm niệm lời dạy của Bác Hồ dành cho lực lượng Công an nhân dân. Trong căn phòng nhỏ của Hội Luật gia quận Tây Hồ (TP Hà Nội), bà Thăng kể với chúng tôi câu chuyện về ngày đón Bác Hồ tới thăm Sở Công an Hà Nội. Đó là ngày 13-2-1964, thời điểm đó bà là điện thoại viên. Khi toàn thể cán bộ, chiến sĩ ngồi chờ trong hội trường ở số 67 Yết Kiêu thì bất ngờ từ phía sau hội trường, Bác Hồ đi vào qua cửa ngách. Nhìn thấy Bác, bà Thăng vội thốt lên: “Ôi, Bác Hồ!”. Bà Thăng kể, lúc đó vừa ngạc nhiên, vừa xúc động, hình ảnh Bác Hồ vào hội trường vẫy tay chào toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội vẫn in đậm trong trí nhớ. Trong lúc nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Bác Hồ vẫy tay gọi nữ công an đến và hỏi: “Này, Bác hỏi, ở công an cháu làm gì?”. “Thưa Bác, cháu làm điện thoại viên ạ”, nữ công an Nguyễn Thị Thăng đáp. Đoán được công việc của nữ công an, Bác Hồ căn dặn: “Ở công an, đối với con trai làm công an đã khó, cháu là con gái, nếu cháu muốn làm công an, cháu phải cố gắng lắm để học đồng đội, học pháp luật, học nghiệp vụ”.
Đến sau này, bà Thăng khẳng định, những câu nói của Bác Hồ luôn khắc sâu vào tâm trí và cả quá trình công tác, nhất là những người làm công tác điều tra. “Làm công tác điều tra, giữ được đạo đức quan trọng lắm”, bà Thăng nói.
Điều khó nhất là giữ vững bản lĩnh
Suốt thời gian công tác, giữ các chức vụ, bà Nguyễn Thị Thăng cảm thấy tự hào, vinh dự khi đã gạt bỏ được những cám dỗ đời thường, bởi suy nghĩ về lòng tự trọng và phẩm chất của người cán bộ công an nhân dân. Kể câu chuyện đấu tranh với đối tượng buôn thuốc phiện cách đây hơn 40 năm, bà Thăng cho biết, những năm 1980, lực lượng công an được tách thành khối an ninh và cảnh sát, bà được chuyển sang khối cảnh sát. Sau khi tách, bà được đề bạt Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra xét hỏi, được cấp trên phân công phụ trách điều tra án kinh tế, đồng thời cũng là cán bộ hỏi cung. Trong các vụ án tham gia, bà nhớ nhất vụ án Trần Thị Đào. Khi đó, cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn. Lợi dụng hoàn cảnh này, đối tượng Đào (Việt kiều Thái Lan) về nước để thực hiện hành vi trục lợi cá nhân. Sau khi xác định được nghi phạm buôn thuốc phiện, cơ quan công an tiến hành khám nhà Đào và phát hiện 540 lượng vàng đựng trong bao tải chôn dưới chân cầu thang. Bà Thăng là người trực tiếp hỏi cung Đào. Đây là đối tượng rất ngoan cố và đến nay, vụ án này vẫn được liệt vào danh sách một trong những vụ án nổi cộm, đáng chú ý của Công an TP Hà Nội. Bà Thăng kể, từ khi bị bắt, Đào một mực không nhận tội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh từ nhiều cơ quan có chức trách, bà tổng hợp chứng cứ buộc tội.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Đào cúi lạy bà Thăng xin tha tội, cứu giúp để không bị “dựa cột” (tử hình). Ngược lại, Đào sẽ biếu bà toàn bộ 540 lượng vàng để làm sai lệch hồ sơ, không xử lý hình sự. Trước cám dỗ đồng tiền, nhưng bà Thăng không mềm lòng, thẳng thừng từ chối và cảnh cáo đối tượng Đào. Kể lại câu chuyện này, bà Thăng muốn chia sẻ với người làm công tác điều tra là bản lĩnh luôn phải vững vàng.
Cảm hóa tội phạm
Bà Nguyễn Thị Thăng kể lại, làm công an điều tra, trước những đối tượng phạm tội, người cán bộ làm sao phải giúp họ trở thành con người lương thiện, để họ cảm phục, thức tỉnh, tự cải tạo thành người lương thiện, chứ không phải đưa họ vào tù.
Nói về cảm hóa người phạm tội, bà Thăng xúc động nhớ lại vụ án Lê Quyện. Khoảng những năm 1960, Lê Quyện được phân công về một nông trường ở tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình làm việc, người này bị kỷ luật, cho ra khỏi nông trường, sau đó bất mãn và tìm cách phá hoại các kho xăng. Thời điểm đó, xăng được xem như máu để chi viện cho miền Nam chống giặc. Lúc Lê Quyện bị bắt, bà Thăng được phân công hỏi cung đối tượng. Hai người ngồi cách nhau 3 mét, bà không lên tiếng mà nhìn thẳng vào mắt đối tượng một hồi lâu. Đối tượng thấy khó chịu, hét lớn: “Bà nói gì thì nói đi, sao cứ nhìn tôi thế?”. Bà Thăng nhẹ nhàng nói: “Tôi nhìn anh, nhưng tôi đang nghĩ về bố mẹ anh. Tôi thương bố mẹ anh vẫn đang hy vọng về người con được sự chăm lo của Đảng, Nhà nước sẽ trở thành người cán bộ mẫu mực”. Nghe đến đây, Lê Quyện lấy hai tay bịt tai cúi đầu. Sau một hồi phân tích, đối tượng chỉ biết ngồi khóc và tỏ ra rất hối hận về việc làm của mình.
Ở cái tuổi đáng ra nhiều người đã nghỉ ngơi, nhưng gần 30 năm qua, bà Thăng vẫn âm thầm cống hiến sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm của mình để tham gia tư vấn pháp luật cho người dân tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Bà Ngô Kim Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ, cho biết, bà Thăng là con người dễ mến, gần gũi và đặc biệt có kiến thức sâu về pháp luật. “Tôi và những người tại Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia quận Tây Hồ) luôn lấy bà Thăng làm tấm gương cho sự khiêm tốn, học hỏi không ngừng”, bà Hạnh nói. Ông Lê Trung Đức, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ, khẳng định, ở tuổi 88 như bà Thăng mà vẫn cống hiến, tư vấn pháp luật được là rất hiếm. Hàng ngày, bà vẫn cập nhật kiến thức pháp luật để luôn sống trong dòng chảy thời sự, kịp thời có những tư vấn hữu ích cho mọi người.