Chuyện về những chú hổ con

Nhiều người từng vào Vườn thú Hà Nội xem hổ nhưng ít ai biết phía sau từng con hổ là rất nhiều câu chuyện thú vị về sự lớn lên và trưởng thành của chúng.
Chuyện về những chú hổ con

Nhiều người từng vào Vườn thú Hà Nội xem hổ nhưng ít ai biết phía sau từng con hổ là rất nhiều câu chuyện thú vị về sự lớn lên và trưởng thành của chúng.

Đặt tên xấu để... dễ nuôi

Nhân năm hổ, chúng tôi bàn nhau đi Vườn thú Hà Nội xem hổ. Theo chị Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Tổng giám đốc Vườn thú Hà Nội, hầu hết hổ sinh ra ở đây, hay được mua non ở nơi khác về, quá trình chăm sóc chúng rất khó khăn. Mặc dù được mệnh danh là “chúa sơn lâm” nhưng khi còn nhỏ chúng rất khó nuôi và thường đau bệnh nên vòng đời cũng ngắn. Mỗi con hổ nếu sinh ra và trưởng thành trong rừng có thể sống được 30 năm nhưng nuôi trong vườn thú trung bình chúng chỉ sống được khoảng 20 năm tuổi đã chết.

Con hổ đầu tiên của vườn từ Hà Giang mang về nhưng chỉ một thời gian ngắn là chết, đó là năm 1992. Cũng năm đó, có một số người dân rao bán hai con hổ non ở ngoài phố, ban lãnh đạo vườn thú đã mua hai con hổ con này với giá khoảng 20 cây vàng. Khi mang về vườn thú, hai con hổ bé như con mèo rừng, mỗi con nặng khoảng 3 - 4kg và đang trong tình trạng suy kiệt nặng, đi không vững. Khi ấy, đôi hổ con này thật sự là tài sản lớn của vườn thú và chúng được đặt tên: Vàng và Đen.

Hổ có tên Đông Dương trong vườn thú. Ảnh: TRẦN CHUNG

Hổ có tên Đông Dương trong vườn thú. Ảnh: TRẦN CHUNG

Để vực dậy sức khỏe cho đôi hổ con, anh em trong vườn thú trực suốt 24/24 giờ như các “vú nuôi”. Chế độ chăm sóc “hai em” Vàng, Đen được các “vú nuôi” trong vườn thú lên kế hoạch rất cụ thể - ban ngày, sau khi cho Vàng, Đen uống sữa Dumex xong sẽ bế hổ đi tắm và bế hổ đi phơi nắng. Mỗi ngày, cứ 2 - 3 tiếng cho bú sữa Dumex một lần. Mỗi lần, một con bú hết 3 lạng sữa. Có lần, một con bị ngã sướt chân, anh em lấy thuốc bôi vào chân nhưng lại sợ đêm nó liếm chỗ vết thương sẽ lâu khỏi, anh em phải thức đêm canh cho hổ ngủ.

Hai con hổ được uống sữa của trẻ con đến khi chúng nặng khoảng 7 - 8kg thì được các “vú nuôi” cho tập ăn thịt sống. Ban đầu là con chim cút đến con gà con băm nhỏ rồi dần dà theo tuổi lớn và sức nặng của Vàng, Đen, anh em vườn thú tập cho chúng ăn thịt bò, heo. Chúng lớn khá nhanh nên công việc chăm sóc chúng đỡ vất vả hơn vì các “vú nuôi” không phải bế hổ đi tắm rửa, cho bú sữa nữa mà chúng được thả đi loanh quanh ngay trong vườn thú, ở trong khu vực các “vú nuôi” làm việc.

Là mãnh hổ, nhưng khi nhỏ chúng cũng như những đứa trẻ, mọi hoạt động đều không tự chủ. Anh em trong vườn thú phải tắm rửa, dọn dẹp những khi chúng đi bậy ra nhà. Ngày đó, cả cơ quan chỉ có mỗi phòng tổng giám đốc có điều hòa nhiệt độ. Cái phòng làm việc 3 gian của tổng giám đốc bất đắc dĩ bị anh em đề xuất ngăn một phần căn phòng để làm nơi chăm hổ... Lúc ấy nhiều người đã đùa nhau – hai con hổ này số sướng nên được ăn ngủ trong phòng điều hòa nhiệt độ cả ngày.

Được chăm sóc tốt, đến năm 1993 - 1994, Vàng và Đen đã cân nặng khoảng 50kg và chúng đã được khách vào vườn thú thích thú ngắm nhìn. Các “vú nuôi” đang rất vui bỗng một sáng vào vườn thú thăm dọn vệ sinh thì phát hiện một con nằm bẹp và thở gấp. Các bác sĩ cấp cứu mới biết, nó bị ngã gãy xương hông, không ăn, ốm nặng. Vì sao nó gãy xương hông thì chẳng ai rõ, nhưng qua vết thương, mọi người nghĩ - có lẽ do nó quá hăng vui đùa với du khách nên đã trượt chân ngã va hông vào khung sắt.

Những con hổ “nhi đồng” không được bú sữa từ hổ mẹ mà phải bú sữa hộp hầu hết xương đều rất yếu vì canxi từ sữa không thể nào bằng canxi có trong sữa hổ mẹ. Con hổ này hàng ngày thích trèo nhảy nên ngã va đập vào cửa sắt mới nên nỗi. Cả đêm đó, các “vú nuôi”, bác sĩ thú y đã cố cứu hổ bằng nhiều cách, nhưng sau nhiều giờ thoi thóp thở hổ đã chết.

Khi một con chết đi, tình cảm của mọi người dồn vào chăm sóc con còn lại. Nó lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã được gần 100kg. Những năm 1997, khi nó được ghép giống và có thai, ai cũng mừng vui vì hy vọng vườn thú sẽ có thêm những thành viên hổ mới. Trong khi niềm vui vừa hé lên thì lại bỗng vụt tắt ngấm khi con hổ này bị ốm đột ngột và sau đó cũng chết do bị tai biến. Thế là cả Vàng và Đen đều chết sau hơn 5 năm sống trong Vườn thú Hà Nội.

Năm 1996, Vườn thú Hà Nội lại mua thêm một đôi hổ con đặt tên Đông và Dương. Con hổ tên Đông đưa vào miền Nam đổi lấy con hổ khác tên Bình Dương. Sau đó lại có con hổ cái khác được mang về có tên đẹp như diễn viên – Lâm Nhi. Lâm Nhi sinh được chú hổ con tên Xi chưa được bao lâu cũng chết. Sau khi đúc kết lại các trường hợp hổ bị chết yểu, anh em vườn thú “rút ra kết luận” cứ tên đẹp là dễ chết nên đưa ra quyết định sẽ đặt tên xấu cho hổ để dễ nuôi. Sau đó các con hổ đưa vào Vườn thú Hà Nội có tên không đẹp như trước như Mi, Lô, Xen… Nhưng rồi chúng cũng không sống thọ hơn các con tên đẹp khác bao năm.

Những mẹ chó nuôi hổ

Anh Nguyễn Khắc Thọ, cán bộ chăm sóc thú ăn thịt lâu năm của vườn thú cho biết, hổ có một đặc tính dễ bị kích động. Nếu khi chúng vừa đẻ xong mà bị một hiện tượng nào đó tác động, nó sẽ không cho hổ con bú nữa. Như trường hợp con Mi (con của hổ Lâm Nhi) sinh được hai hổ con do một kích động nào đó nó đã không cho con bú. Để cứu hai hổ con trong hoàn cảnh đó Vườn thú Hà Nội phải điều động anh em đi mua chó đẻ về cho hai con hổ con bú.

Hai con hổ được nuôi bằng sữa chó lớn nhanh, nhưng chỉ chưa được một tuần, con chó đã bị hai con hổ vắt kiệt sức. Lãnh đạo vườn thú vội đi mua thêm hai con chó khác cũng vừa đẻ xong để thay chỗ con chó cũ. Đến khi hai con hổ mỗi con đã nặng khoảng 30kg thì hai con chó vẫn ngoan ngoãn cho hổ bú mặc dù mỗi con chó nặng chỉ khoảng 10kg. Để nuôi được con Xen và con Lô trưởng thành, vườn thú đã phải nuôi cả một đàn chó mới đẻ xong. Để chăm sóc gián tiếp hai con hổ con những thời khắc đó, những anh em chuyên chăm sóc thú trong vườn đi mua chân giò heo để hầm cho chó ăn để có nhiều sữa nuôi hổ. Hai con hổ nhỏ, Xen và Lô đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất khi mới sinh nhờ dòng sữa của những con chó.

Hai con hổ lớn dần, đến khi chúng nặng khoảng 50kg thì con Xen chết vì ốm nặng, còn một mình con Lô. Anh Thọ nhớ lại, khi con Lô được khoảng 80kg, nó bị rò xương hàm cũng nằm một chỗ thở gấp, anh em chuyên chăm sóc hổ ai cũng sợ không biết nó có qua khỏi được hay không vì trong vườn thú có nhiều hổ từng chết non vì những tai nạn tưởng rất bình thường. Các anh đã lừa con Lô vào rọ tiêm thuốc gây mê, cho lên xe cút kít. Vườn thú mời cả kiểm lâm cùng đi đưa nó vào Bệnh viện Bộ GTVT điều trị. Rất nhiều lần đau, ốm như thế nhưng con Lô cũng vượt qua tất cả nhờ sự chăm sóc tận tình chu đáo đầy tâm huyết của mọi người.

Hiện con Lô vẫn sống và đã nặng hơn 100kg. Con Lô hiện nay không chỉ là tài sản vật chất mà đó còn là biểu hiện tình cảm của những người làm công tác ở Vườn thú Hà Nội với những câu chuyện kể rất vui chung quanh chuyện hai chú hổ con được nuôi lớn bằng sữa chó.

TRẦN CHUNG

Tin cùng chuyên mục