Tại khu Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, đại biểu của các đoàn đã dâng hương tại Tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Đồng thời được lắng nghe các thuyết minh viên thuyết minh về những chiến công hiển hách của các chiến sĩ đặc công với những trận đánh nổi tiếng. Sau đó, đoàn còn tiếp tục ghé thăm Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ để tìm hiểu về các yếu tố văn hóa, lịch sử, địa lý... ở vùng đất đặc biệt này của TPHCM.
Tại Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi, đoàn đến viếng Đền Gia Định – Khu Cách Mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Sau đó, đoàn đến viếng Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược; tham quan khu tái hiện Vùng Giải Phóng Củ Chi (giai đoạn 1960-1975); tham quan địa đạo.
Ông Nguyễn Nam Tuấn, Phó Giám đốc VOH nhấn mạnh: “Mảng phát thanh có quá trình lịch sử gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Được những dịp đi về chiến khu như thế này, được tận mắt đến những nơi các chiến sĩ đã chiến đấu mới thấy được sự gian khổ của quá trình đấu tranh. Đó là những trải nghiệm rất quý giá đối với người làm báo nói chung, báo phát thanh nói riêng”.
Ông Tuấn cũng cho biết, những chuyến tham quan như thế này sẽ mang đến nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ giữa các cơ quan báo chí trong cả nước. Ông cũng mong muốn các kỳ Liên hoan phát thanh sắp tới sẽ tạo thêm nhiều sân chơi, giao lưu cho đội ngũ làm báo phát thanh.
Trong khi đó, đây là lần đầu tiên bà Thúy Hằng, Phó Phòng Thời sự Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận có cơ hội ghé thăm chiến khu Rừng Sác. Bà cảm nhận chuyến đi này mang đến nhiều ý nghĩa. Bà chia sẻ: “Từ trước đến giờ tôi chỉ nghe địa danh này qua các bài học lịch sử, sách báo. Chuyến đi tham quan lần này tôi có cơ hội được tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử dân tộc. Chứng kiến điều kiện ăn ở sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ đặc công tôi thực sự cảm phục tinh thần, ý chí quyết tâm hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước. Với những người làm báo, hoạt động ý nghĩa này khiến chúng tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình”.