Nghe tin buồn ấy, người dân cả nước bày tỏ niềm thương tiếc ngập tràn báo giấy và báo mạng. Chưa hết, từ nửa vòng trái đất, các cựu binh phi công Mỹ từng đối đầu sinh tử với ông trên không năm xưa cũng đã bày tỏ lòng thương tiếc khôn nguôi và sự ngưỡng mộ một phi công huyền thoại…
Có lẽ ngay cả khi còn sống, chính ông Bảy cũng không thể ngờ rằng cuộc sống gần gũi giản dị và rất đỗi thương dân của ông lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy!
Ông Bảy là ai mà được nhiều người yêu quý đến vậy? Từ lâu người dân cả nước đều biết ông là một Anh hùng phi công có cuộc đời và tên gọi gắn liền với số 7: tên Bảy, 7 lần bắn rơi máy bay địch, 7 ngày học xong 7 lớp… Là người con của quê hương Đồng Tháp, tập kết ra Bắc từ 1954, rồi được cử đi học phi công lái máy bay chiến đấu Mig-17, ông đã gần 100 lần xuất kích, bắn rơi 7 máy bay địch và được phong Anh hùng LLVTND năm 1967, nhiều lần được gặp Bác Hồ...
Với phong thái giản dị, chân thành đậm chất Nam bộ, những ai tiếp xúc với ông đều cảm thấy thân thiết với ông như từ bao giờ... Ông không biết nói những lời ngon ngọt sáo rỗng mà chỉ toàn xưng hô “mày-tao” nhưng rất đỗi gần gũi, chân phương như ngọn cỏ, bờ tre, mảnh ruộng quê hương ông vậy.
Mới đây trong chuyến đi về Bến Tre họp mặt, không thấy ông, chúng tôi hỏi chú Tư Huỳnh (là bạn thân của ông Bảy): “Sao kỳ này không thấy bố Bảy nhỉ?” (tôi thường trìu mến gọi ông Bảy là bố). Ông Tư đáp: “Ờ, tui có gọi ổng rồi mà ổng kêu bận vụ gì đó, thôi để dịp khác vậy…”.
Vì biết ông Bảy có trái tim rất yêu đời, yêu người, thích gặp gỡ mọi người nên sự vắng mặt của ông khiến tôi có linh tính chẳng lành. Ít ngày sau, tôi nghe báo tin dữ: “Ông Bảy bị đột quỵ, đang cấp cứu trong bệnh viện Quân y 175…”. Không khỏi bàng hoàng, tôi và chú Tư Huỳnh vội đội mưa chạy vào bệnh viện thăm ông. Ông Bảy nằm đó như đang ngủ, vẫn nước da rám nắng, nét mặt bình thản, hàm răng chắc khỏe, bộ râu dài… chúng tôi tha thiết lay gọi: “Bố Bảy ơi, dậy đi họp mặt nào”. Chú Tư Huỳnh lắc đầu buồn bã: “Thôi để yên cho ổng ngủ đi con”.
Trước đó, nghe tin ông Bảy đi cấp cứu, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, Trưởng ban liên lạc CCB phi công từ Hà Nội đã tức tốc bay vào thăm ông Bảy và nghẹn ngào gọi: “Anh Bảy ơi, dậy đi nhậu nào” mọi lần ông Bảy vui vẻ nhận lời, còn lần này thì ông nằm im lìm, chỉ đáp lại bằng tiếng thở gấp gáp…
Từ khi nghe tin ông Bảy phi công đang cấp cứu, người dân cả nước lặng lẽ theo dõi và thầm cầu nguyện có “phép lạ” giúp ông tai qua, nạn khỏi. Nhưng không, rồi tin ông ra đi mãi mãi lúc 21 giờ 47 ngày 22-9-2019 đã làm mọi người đau buồn. Dẫu biết rằng con người không thể tránh khỏi quy luật “Sinh - lão - bệnh - tử” song ai cũng đau xót và thương tiếc người Anh hùng chân đất của quê hương Đồng Tháp.
Đại tá phi công, CCB Hà Hưng buồn bã: “Chúng tôi đã mất đi một người đồng đội dũng cảm phi thường”. Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, Giám đốc Công ty Bay Việt, người đồng hành gắn bó với ông Bảy sang Mỹ họp mặt với các cựu binh phi công Mỹ tự hào: “Ông Bảy là một phi công bình dị và dũng cảm, mãi mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo” .
Trung tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cũng bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của người anh hùng phi công bậc thầy của Không quân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Hoàng, nguyên Bí thư Quận ủy Tân Bình đau xót: “Từ nay, Đảng bộ quận Tân Bình mất đi một người đảng viên lão thành kiên trung, mẫu mực. Tuy về sinh sống tại Lai Vung, Đồng Tháp, nhưng hàng tháng, ông Bảy đều về phường 2, quận Tân Bình sinh hoạt Đảng đều đặn và gương mẫu”.
Sự ra đi về cõi vĩnh hằng của người Anh hùng đã để lại bài học đáng quý cho những người đang sống hôm nay, ông mãi là bài ca bất tử trong lòng người dân.