... Cháu bị ung thư. U tụy đã di căn gan - loại ung thư dễ gây tử vong nhất trong các loại ung thư mà người ta thường mắc phải... Tiêm mooc-phin là lời khuyên duy nhất các bác sĩ dành cho mẹ cháu, khi nhận được câu hỏi rằng: Nếu cháu lên cơn đau thì phải làm sao? Bi kịch lớn nhất của người con gái là khi biết mình chết trẻ. Và bi kịch lớn nhất của một người mẹ là biết tin con gái yêu dấu của mình sẽ đau đớn mà ra đi. Vậy mà…
Từ lá thư nửa đêm
Hồi ấy, tôi là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Cái tạp chí cấp tỉnh, nếu nói nó oai thì cũng oai, còn nếu coi nó là gì đấy thì cũng chả oan. Vấn đề là anh có muốn làm nó tới cùng không? Nó vừa là tờ tạp chí văn nghệ, tức một tờ báo ra thể tạp chí, tất nhiên rồi, nhưng nó còn phải làm thêm mấy việc nữa, ấy là phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ cho tỉnh. Thực ra đây mới là việc khó, bởi nếu anh “phát hiện, bồi dưỡng” nhầm thì rất tai hại. Sẽ đẻ ra một tác giả hoang tưởng, hoắng huýt, coi Nguyễn Du như... bạn đọc. Còn nếu bỏ sót thì cũng rất đau đớn, bởi sẽ làm thui chột một tài năng. Tất nhiên, nếu là tài năng thực sự thì không xuất hiện chỗ này sẽ xuất hiện chỗ khác. Nhưng với những tài năng le lói, thì cái sự “ban đầu” ấy hết sức quan trọng.
Thì vân vi để kể rằng, tôi hay đọc tác giả trẻ, nhất là các tác giả của tỉnh. Trong một lần lang thang trên mạng, tôi đọc một chùm thơ của một Facebooker tên Lữ Hồng. Thấy nhắc đến Gia Lai, tôi chịu khó cuộn xuống đọc hết những gì cô bé này viết. Không hay nhưng cũng... không dở. Chưa bao giờ xuất hiện trên báo mà như thế này là... được. Tôi nghĩ thế nên vào nhắn tin, cháu ơi chú là như thế như thế, chú đọc thấy mấy bài thơ của cháu, chú sẽ chọn một chùm để giới thiệu ở mục tác giả trẻ nhé. Nếu đồng ý thì trả lời chú. Hai hôm sau thì cô bé trả lời, tất nhiên là rất vui. Tôi đã làm việc chưa từng có trước đấy, chọn một chùm 4 bài để in, và tôi viết sapo ký tên mình nữa. Trước đấy, chùm 3 bài là dành cho các tác giả đã thành danh. Rồi tôi chụp ảnh bản thảo đã đầy đủ chữ ký để đưa in cho cô bé, để khẳng định rằng thơ của cô sẽ in.
Đọc trên Facebook của cô thì biết đây là một cô giáo, ra trường đã mấy năm, dạy kèm loanh quanh trong xóm để nuôi mình, nuôi ước mơ làm cô giáo chính quy, và năm vừa rồi thi đậu công chức, được nhận về dạy một trường ở xã thuộc huyện Chư Prông, Gia Lai. Giáo viên cấp 3, thi công chức về làm giáo viên cấp 2. Nghe nói cô đậu với số điểm khá cao, vượt qua rất nhiều người để trở thành giáo viên. Cô rất mừng vì được đứng trên bục giảng, dù là phải ở xã, cuối tuần mới về nhà ở Pleiku. Cô bé có khuôn mặt rất xinh tuy có nhỏ con.
Và, sau đấy một tuần, nửa đêm, email của tôi báo có thư đến. Thư của Lữ Hồng, xin trích vài đoạn.
“Ia Pia, Chư Prông, đêm 22-4-2017
Chú kính mến,
... Cháu bị ung thư. U tụy đã di căn gan - loại ung thư dễ gây tử vong nhất trong các loại ung thư mà người ta thường mắc phải. Thấm thoát mà đã 8 năm rồi chú ạ. Hồi ấy, khi còn là một cô bé lớp 12, học trước tuổi, sau khi trải qua ca phẫu thuật sinh thiết gần như lớn nhất Khoa ngoại gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy, cháu biết mình ung thư. Giai đoạn cuối. Tiêm mooc-phin là lời khuyên duy nhất các bác sĩ dành cho mẹ cháu, khi nhận được câu hỏi rằng: Nếu cháu lên cơn đau thì phải làm sao? Bi kịch lớn nhất của người con gái là khi biết mình chết trẻ. Và bi kịch lớn nhất của một người mẹ là biết tin con gái yêu dấu của mình sẽ đau đớn mà ra đi. Vậy mà…
Cháu vẫn nhớ như in lời các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược Huế năm 2009, rằng các khối u đã “mọc rễ” trong người cháu, rằng chỉ có thể sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Đến giờ, cháu không dám chắc cháu đã chiến thắng được ung thư hay chưa? Nhưng ít nhất cháu đã không hủy hoại cuộc đời mình bằng việc nói quá nhiều về số phận. 8 năm là một quãng thời gian không quá dài, nhưng đủ để cháu nỗ lực có được tấm bằng Cử nhân Sư phạm của Trường Đại học Quy Nhơn, đủ để cháu gõ đầu mấy đứa trẻ quanh xóm kiếm cơm, trong 4 năm ra trường chưa biên chế. Và giờ cháu đã đường hoàng đứng trên bục giảng với vai trò nhà giáo thực thụ. Chừng ấy năm sống chung với ung thư, cháu tin mình sống được là bởi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Dù cứ mỗi khi trong xóm có người ra đi vì ung thư là mẹ cháu lại bỏ bữa mấy ngày liền. Ông Trời lấy đi của cháu nhiều quá chú ạ, mà chỉ để lại cho cháu duy nhất nụ cười. Cháu dùng nó để chiến đấu với cuộc đời mình. Mỗi sáng khi trở dậy, việc đầu tiên cháu nghĩ là hôm nay vị thuốc nam ấy sẽ như thế nào: chan chát, bờn bợn hay nhớp nháp? Cháu tin là thuốc đã cứu mình 3 phần. Còn lại là sự lạc quan...
Cháu, Lữ Hồng”.
Lữ Hồng hôm nay
Tôi đã bàng hoàng khi đọc lá thư ấy. Và rồi tôi đã đến nhà thăm cô bé này, tên đầy đủ là Nguyễn Lữ Thu Hồng. Hết sức xinh đẹp, hết sức lạc quan, hết sức nhí nhảnh, hết sức thông minh... là những gì tôi thấy ở cô bé. Ba nguyên là thợ xây, mất sức giờ đi làm bảo vệ. Mẹ bán quà vặt trước cổng bệnh viện. Cô bé hết sức hạnh phúc khi có những đồng lương đầu tiên dù tôi nhẩm, có khi nó chỉ đủ tiền thuê trọ và đổ xăng về hàng tuần.
Bàn với một đồng nghiệp, chúng tôi hứa sẽ tiếp thêm năng lượng cho cô bé bằng chính khả năng của cô bé và của chúng tôi: In cho cô bé một tập thơ. Tôi là người trực tiếp biên tập. Một tờ báo đứng ra in.
Có mấy điều thần kỳ đã xảy ra từ khi chúng tôi và Lữ Hồng “có nhau”. Một là thơ của cô ngày càng hay. Hiện nay thơ Lữ Hồng đã có mặt ở hầu hết các tờ báo lớn của cả nước. Và thứ hai, sức khỏe của cô khá lên rõ rệt. Chính xác là năm kia, chúng tôi nghe thông tin cô bị vỡ u, nửa đêm chủ nhà trọ phải chở từ xã ra Bệnh viện 211 của Quân đoàn 3. Chúng tôi vào thăm, cô bé như một con mèo đói co quắp trên giường, mồ hôi đầm đìa trên mặt. Biết là rất đau, vì cả chục năm ung thư chưa bao giờ cô bé thể hiện sự đau yếu ra ngoài. Trước hết là để ba mẹ khỏi lo, thứ nữa là, tại sao lại phải thế khi mà ta còn chịu được, cô bé nghĩ thế, nên chỉ xuất hiện khi thật rạng rỡ. Thế mà giờ. Cô bé thều thào: Sao các chú biết, cháu có nói cho ai biết đâu.
Có mấy người bặm môi. Có ý kiến xin chuyển cô bé vào bệnh viện lớn ở TPHCM. Gặp bác sĩ điều trị, ai cũng khẳng định, không thể đi được, đi là sẽ chết dọc đường, thôi để đấy được thêm tí nào thì được. Có bác sĩ quen còn cầm phim ra giải thích: nó lung tung beng hết trong ấy rồi, lẫn lộn cái này vào cái kia, tòe loe rồi, chắc không lâu nữa đâu...
Ơ thế mà một tuần sau cô bé xuất viện. Nghỉ thêm một tuần, lại phóng xe xuống trường đi dạy. Giờ đã về một trường gần hơn. Trước cách nhà gần 50 cây số, giờ còn... gần 10 cây số, đường làng.
Cách đây mấy tháng, cô bé nhắn: “Chú ơi hôm nào chú cháu mình lại cà phê chú nhé. Chú cho phép cháu được mời ạ. Chú phải thật khỏe chú nhé”. Là cô bé biết tôi vừa ốm. Lại hôm khác, biết tôi lái xe đi xa, cô bé nhắn: “Bão quá, chú lái xe cẩn thận nhé. Sáng cháu chạy lên trường, xe cứ nghiêng nghiêng”. Cô bé đi xe máy, tôi lái ô tô mà lo ngược như thế. Và gần đây nhất, khi tôi hỏi sức khỏe thế nào, cô bé nhắn: “Cháu vừa ra viện mấy ngày, lại thêm chứng tiểu đường chú ạ. Cháu tiếp tục cố gắng ạ. Cháu tự tiêm Insulin ở nhà. Chuyện nhỏ chú ạ, cháu xác định chiến đấu lâu dài, hihi, cháu không báo ai ạ. Chú yên tâm về cháu nhé”.
Trên Facebook của mình, không ai hình dung đấy là một cô bé ung thư tụy cấp giai đoạn cuối đã... hơn 10 năm, và thêm tiểu đường phải tiêm Insulin rồi. Đầy tươi trẻ, đầy xinh đẹp, đầy nhựa sống, lúc nào cũng cười như tỏa nắng, lúc nào cũng học trò, trường lớp, lúc nào cũng phơi phới yêu đời...
Và rất nhiều thơ, các bài báo đăng ở các báo. Ngoài là niềm vui, nó cũng giúp cô bé có thêm tiền để chữa bệnh.
Bệnh thế, người ta sống đã khó, đã chật vật... Tôi quen mấy người bạn, đang yên đang lành, phát hiện ung thư. Chỉ sau một đêm là tóc bạc trắng, người tiều tụy. Đây vẫn dạy học, ở vùng xa, gần đây được chuyển về trường gần nhà, cách còn 7 cây số. Mà dạy giỏi, suốt ngày lo trường lớp, hở ra là viết. Một năm gần trăm bài báo, bài thơ được in trên các báo cũng là con số đáng nể.
Viết bài này vì tôi lại mới nhận tin nhắn: “Chú ơi, bao giờ chú về. Cháu đang nghỉ dạy vì dịch, muốn ngồi cà phê nghe chú nói chuyện”.
Mà tôi thì, đang ở Củ Chi.
Và vào Facebook, thấy cô bé khoe, vừa bước sang tuổi 29. Thế thì phải mừng cháu thôi, Lữ Hồng nhé, cố lên.