Đêm hôm đó là đêm chúng tôi trực cấp cứu, một chiếc cứu thương màu lính, mình đầy bùn đất đỗ xịch trước phòng cấp cứu, nói là phòng chứ thực ra đó là một căn hầm rộng, nửa nổi nửa chìm, xung quanh được đắp đất vững chắc, phía trên được lợp lá và ngụy trang kín.
Bốn thương binh, hai người Việt là Thắng và Vinh và hai người với hai cái tên Lào là Bunthoong và Bunni. Bunthoong nhỏ, đen, tóc xoăn. Còn Bunni trắng hơn, cao ráo, xanh xao… Bunthoong bị thương phần mềm ở 1/3 trên cánh tay trái, nhiễm trùng khá nặng; Bunni bị thương phần mềm ngoài đùi phải và cả hai đều bị sốt rét. Còn Thắng và Vinh bị vết thương cẳng chân do mìn. Đêm đó phòng mổ làm việc gần như sáng đêm.
Sáng giao ban xong, tôi chạy bay đến phòng hậu phẫu xem sao. Họ đều đang thiêm thiếp, cả bốn thương binh đều đang được truyền máu.
Hôm thăm bệnh, tôi lại tới gặp hai người bạn Lào để điền nốt những gì còn thiếu trong phần đầu của hồ sơ bệnh án:
– Chào Bunthoong.
– Chào bác sĩ – với cái giọng còn yếu, lơ lớ và chậm chạp.
– Bunthoong quê ở đâu?
– Nước Lào mà. Ở gần “Tồng Cum”.
– “Cánh Đồng Chum”chứ, gia đình Bunthoong có mấy người?
Anh ta đưa ra bảy ngón tay và một cái lắc đầu. Tôi không hiểu cái lắc đầu ấy nói gì. Qua cuộc nói chuyện, nhờ có Bunni phiên dịch thêm tôi biết rằng nhà Bunthoong nghèo lắm. Tình hình Lào lúc đó có nhiều phe phái nên anh em trong một nhà cũng bên này bên kia. Riêng Bunthoong và người anh kế vào rừng và trở thành bộ đội Phathet Lào. Nhớ nhà quá, một hôm anh cùng hai người bạn khác đi công tác ghé về làng. Trong đêm tối lờ mờ, làng đã bị bom napan thiêu cháy lem nhem, dân làng chạy đâu hết. Anh và hai người bạn quay về rừng trong nỗi buồn vô tận. Vừa ra khỏi làng thì bị rơi vào ổ phục kích. Chúng ào lên bắn xối xả, anh bị thương vào tay trái. Tôi hỏi anh:
– Sau đó thì sao?
Anh kể tôi nghe câu chuyện kỳ lạ: sau mấy phút im lặng ấy, chúng ào lên và vây kín quanh anh. Một tiếng quát: “Bắt lấy nó”. Thật trớ trêu thay, đó lại là tiếng hò hét viên chỉ huy có cái giọng quen quen: Thaloongsa - người anh cùng cha khác mẹ với anh. Một ánh đèn pin rất sáng chiếu thẳng vào khuôn mặt anh, người kia cũng lập tức nhận ra anh. Cuộc gặp không hẹn trước.
– Bunthoong! – Người anh hét lên.
Anh im lặng. Thaloongsa rủ rê Bunthoong đi luôn với anh ta, anh ta sẽ đưa về Viêng Chăn điều trị... Bunthoong từ chối. Cuộc “thương lượng” bất thành. Người anh bảo thả người em ra. Anh kể khá vất vả, may mà còn có Bunni hỗ trợ.
Quay sang Bunni:
– Quê Bunni ở đâu vậy?
– Viêng Chăn.
– Bunni học đến lớp mấy?
– Gần hết phổ thông rồi.
Vậy là tôi hiểu tại sao Bunni lại khá tiếng Anh.
Tôi hỏi về vết thương đùi của anh, anh kể: Đêm hôm đó, anh được lệnh của cấp trên đi đón mấy chuyên gia quân sự Việt Nam. Họ gặp một toán phỉ, chúng bắn loạn xạ, Bunni bị thương ở đùi phải.
Một buổi tối tiết trời cuối năm khá lạnh, khoảng 8 giờ tối, tôi vừa từ dưới lán thương binh nặng về đi qua phòng của Bunthoong và Bunni. Bunni trông thấy tôi và nói to:
– Everning doctor, coming please.
Tôi cũng đáp lại bằng tiếng anh:
– Ok, thank you, How are you?
Tôi ngồi vào bàn, thấy tấm ảnh chụp chung của Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông, bức hình trắng đen đã ố vàng, tôi hỏi:
- Hình đâu thế này?
Bunni nói anh đã mang bức hình này từ nhà ra đi. Bunni còn kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảm động giữa Bác Hồ và Hoàng thân. Anh kể rằng: “Sau khi Bác Hồ mất, Hoàng thân khóc nhiều lắm, nhất là mỗi lần sang Việt Nam làm việc”. Không biết anh thu thập những câu chuyện này từ đâu nhưng tôi thấy toát lên từ anh lòng kính trọng với hai vị lãnh tụ.
Gần hai tháng sau Bunthoong và Bunni xin ra viện. Hôm tiễn họ, Bunthoong và Bunni vẫy chào chúng tôi, tôi nhận ra trên khuôn mặt trẻ trung nhưng rắn chắc của họ đang lăn xuống những giọt nước mắt.
Khoảng tháng sau đó, lại một chiếc xe cấp cứu mang tới ba thương binh rất nặng từ mặt trận phía Tây về, tôi thoáng nhận ra có một người Lào. Linh tính điều gì đó, tôi lục ngay tập giấy giới thiệu thì đúng là Bunni. Anh bị thương thấu vai, mất máu nhiều, hôn mê.
Vị y tá chiến trường là người Việt kể lại cuộc chiến đấu của đoàn quân hỗn hợp Việt Lào xảy ra cách đó mấy ngày trên đất Lào, tôi hỏi:
– Vậy anh có biết Bunthoong, người cùng đi với Bunni không?
– Tôi biết, Anh ấy chiến đấu rất kiên cường và đã hy sinh anh dũng cùng ba bộ đội VN.
Tôi và mọi người lặng người đi. Vậy là những hy vọng của Bunthoong về một ngày sum họp gia đình anh sau chiến thắng đã không thành.
Tôi ghi lại câu chuyện này để tưởng nhớ hai người bạn Lào và cuộc chiến vừa qua thật sự ác liệt với hai dân tộc Việt - Lào thủy chung tình nghĩa.
Hoàng Thạch