Chiến thắng của Việt Nam trước Thái Lan, ngoài việc giành vé trực tiếp dự Vòng chung kết U17 châu Á vào năm sau, còn tăng thêm thành tích vượt trội của bóng đá trẻ Việt Nam trước Thái Lan. Tính riêng năm 2022, các tuyến U của Thái Lan đều chỉ từ hòa đến thua Việt Nam trong 7 lần gặp nhau. Còn từ năm 2015 đến nay, các đội tuyển từ U17 đến U23 của Việt Nam đều giành quyền tham dự các Vòng chung kết châu Á (Asian Cup). Những con số nói trên khẳng định chiến lược phát triển bóng đá từ nền tảng đào tạo trẻ của chúng ta đã đúng và có độ tính chất bền vững hơn trước.
Các đội tuyển trẻ của Việt Nam dự giải châu Á đã trở thành điều bình thường, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta đã tiệm cận được trình độ châu Á cũng như bảo đảm được các mục tiêu lớn như dự World Cup trong tương lai. Sự vượt trội của bóng đá trẻ Việt Nam trước Thái Lan chỉ mang tính chất củng cố cho vị trí số 1 Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA nên không nói lên được nhiều điều. Trong xu hướng mở rộng số lượng đội tham dự ở những giải bóng đá thế giới cũng như châu Á hiện nay, chuyện các tuyển U Việt Nam dự Vòng chung kết châu Á không còn là chuyện khó khăn, nhất là khi AFC vẫn đang chia những trận vòng loại theo khu vực địa lý, Việt Nam chủ yếu chỉ gặp các đội tại Đông Nam Á, không có những thách thức thực sự đến từ Đông Á hay Tây Á và vì thế khi gặp họ tại vòng chung kết, chúng ta sẽ dễ nhận thất bại.
Số lượng chưa chắc đi kèm chất lượng. Dù lạc quan nhưng cơ hội để các tuyển trẻ Việt Nam giành quyền dự các kỳ World Cup trẻ vẫn còn khá xa vời. Năm 2017, chúng ta đã có một thế hệ đá World Cup trẻ và như đã biết, những nhân tố đó mới thật sự mang đến thay đổi lớn mà bóng đá Việt Nam đang có. Đó chính là điều mà chúng ta cần, là những cột mốc có tính bản lề như vậy chứ không phải là con số thống kê về đối đầu hay số lần dự giải châu Á. Tuy nhiên, từ sau kỳ tích của ông Hoàng Anh Tuấn và các học trò, chúng ta chưa thấy một mục tiêu cụ thể nào để tái lập điều tương tự. Dù biết rằng các thành tích đặc biệt ở giải trẻ chưa bảo đảm cho thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia nhưng không có những kết quả đột phá ở tuổi U, làm sao có thể nghĩ đến chuyện dự World Cup của đội tuyển trong tương lai. Bóng đá là một trò chơi có tính khoa học cao, phát triển theo hình kim tự tháp, nếu tuyến trẻ đạt được đẳng cấp cao thì triển vọng của họ khi trưởng thành mới lớn.
Làm sao để chuyển hóa từ lượng thành chất là một bài toán không dễ với những nhà làm bóng đá Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, dù bóng đá trẻ vẫn ổn định nhưng tinh hoa lại hiếm, không có những cá nhân đặc biệt kiểu Quang Hải và rất thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Đang có một lỗ hổng khá lớn giữa khâu đào tạo và quá trình hoàn hiện những tài năng. Bóng đá Việt Nam đã có 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng của xã hội, cũng đã có một thế hệ rất thành công và khoảng thời gian phát triển bóng đá trẻ đủ dài để cần phải tiến hành những đánh giá nghiêm túc về các khai thác tiềm năng một cách đúng đắn và có lộ trình hơn. Các đội tuyển trẻ cần được thi đấu quốc tế nhiều hơn và cũng cần được dẫn dắt bởi những chuyên gia có đẳng cấp, không loại trừ việc tập huấn dài hạn ở nước ngoài.
Thậm chí nếu phải “hy sinh” một vài con số thống kê về thành tích để có những bài học kinh nghiệm. Ví dụ như Thái Lan dù thành tích đối đầu ở các giải trẻ kém Việt Nam nhưng họ vẫn giành quyền có mặt tại các kỳ Asian Cup tương đương với chúng ta. Cũng chẳng vì các tuyến U kém cỏi mà bóng đá Thái Lan đã thụt lùi thành tích ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Họ chính là đội bóng đã đánh bại Việt Nam tại AFF Cup 2020 và đang đợi chúng ta ở AFF Cup 2022 sắp diễn ra.