Hiệu trưởng cũng đã lập hợp đồng làm việc, kê khai, xác lập hồ sơ và lấy ngân sách để đóng toàn bộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho con gái của mình với tổng số tiền 48,2 triệu đồng, mặc dù thực tế con gái của hiệu trưởng không làm việc tại trường.
Khi học trò gian lận, quay cóp trong thi cử, sẽ bị giám thị nhắc nhở đánh dấu bài, cuối học kỳ bị đưa ra hội đồng sư phạm hạ hạnh kiểm. Về lớp, cô chủ nhiệm căn dặn: “Các em phải đặt lòng tự trọng của mình lên trên điểm số”.
Vậy mà, thật xấu xí khi có hiệu trưởng bàn tay không cầm phấn nhưng vẫn gian lận đưa tay nhận chế độ phụ cấp ưu đãi đứng lớp. Hẳn hàng ngày vị hiệu trưởng này cũng nói về tính trung thực trong học tập và thi cử với học trò. Nhưng nói với trò một đường, thầy lại làm một nẻo, tự đánh mất chính mình.
Đứng đầu một cơ quan phải là những người vừa có tâm, vừa có tầm. Với một người đứng đầu cơ sở giáo dục, còn cần có sự mực thước. Bởi lẽ, sản phẩm của họ không phải là thứ vật chất cụ thể mang tính lợi ích tức thì, mà đó là con người với sự hoàn thiện về trí tuệ và đạo đức. Môi trường sư phạm sẽ vẩn đục khi những ấm ức nội bộ của thầy cô không được nói ra, để đến lúc sự giả dối bại lộ, điều mất mát không phải của riêng ai, ngay cả các học trò cũng bị tổn thương, mất lòng tin.
Khi dân chủ trong trường học được nêu cao nhưng không được phát huy, tiếng nói của công đoàn hay các đoàn thể bị lãnh đạo lấn lướt, thì không chỉ tiền ngân sách thâm hụt, mà mồ hôi công sức của đội ngũ giáo viên cũng bị cắt xén ít nhiều.
Không dạy nhưng vẫn có tiền phụ cấp là chuyện không khó thực hiện khi hiệu trưởng thiếu trung thực. Kẽ hở là việc giám sát, kiểm tra chỉ dựa trên hồ sơ, sổ sách.
Thực hư như thế nào chỉ có giáo viên trong trường biết, nhưng nghề giáo vốn điềm đạm, ít có sự cạnh tranh, nên biết mà lơ cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy, để phòng ngừa tiêu cực ở trường học, cần chú trọng việc giám sát và công khai tài chính.