Chuyện tình ở rừng Cúc Phương

Tình muông thú
Chuyện tình ở rừng Cúc Phương

Từ tình yêu muông thú, Tilo-một chuyên gia người Đức bất ngờ bị một cô gái xinh đẹp người Hà Nội quyến rũ. Rồi trong Vườn rừng Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) xanh mát bóng cây, xuất hiện những “vườn trẻ” của loài thú quý bên cạnh những “gia đình” thú. Ở đó còn có một ngôi nhà bé con của vợ chồng Tilo.

Tình muông thú

Năm 1991 Tilo-chuyên gia nghiên cứu về chim (thuộc Bảo tàng động vật học Đức) sang Việt Nam (VN) thăm bạn là nhà nghiên cứu thực vật người Ba Lan đang công tác ở Vườn rừng Quốc gia Cúc Phương. Tại đây, Tilo “vớ được của quý” khi nghe bạn “tặng” thông tin về loài voọc mông trắng vừa xuất hiện trong rừng Cúc Phương. Biết đây là loài voọc sau 50 năm có trong tự nhiên nhưng lại nằm trong danh sách các loài thú quý đang bị tiệt chủng, Tilo hết sức hồi hộp rồi quay về Đức mang “đồ nghề” để bay sang VN, vào thẳng rừng Cúc Phương. Dịp ấy ông nằm rừng suốt ba tháng ròng để “kiểm chứng thông tin của bạn”.

Chuyện tình ở rừng Cúc Phương ảnh 1

Du khách đang xem voọc mông trắng.

Tilo tâm sự: “Dầm mưa, nằm sương trong rừng rú là chuyện bình thường. Năm 1991 ở đây chưa có bánh mì, tôi mang bánh quy, lương khô làm thức ăn dự trữ. Cái lán là hậu cứ đặt ở một điểm sâu trong rừng rồi nhưng còn phải “bươn” hơn 10km khe suối nữa mới tới cái hang gần nhất, nghi có loài voọc đang sinh sống”.

Trên vai Tilo là ba lô, tăng, võng, ống nhòm, máy ảnh, máy quay phim, bát đũa... Đôi bàn chân vạm vỡ của ông đã quen xỏ trong đôi giày cao cổ lấm đầy bụi đất. Cùng đi với Tilo là hai kiểm lâm viên làm nhiệm vụ dẫn đường và bảo vệ. Nhưng cả ba người sợ nhất là “ăn” phải đạn lạc của cánh thợ săn hơn sợ gặp hổ, báo.

“Cứ thế, chúng tôi băng qua những cánh rừng già rậm rạp hơn cả rừng châu Phi, đu người qua những mái núi đá vôi sắc nhọn. Có lần đang đi, bọn tôi phải chuyển sang chạy để truy bắt lâm tặc. Phải tăng cường công tác bảo vệ rừng thật tốt, làm sao cho thợ săn hạ súng, thợ xẻ hạ cưa tàn phá rừng mới đảm bảo an toàn cho sự phát triển của động vật” - Tilo nói. Ông cũng đã quen với việc bị rết cắn, ong đốt. Có sáng ngủ dậy thấy vết máu đầy người, hỏi kiểm lâm mới biết do sên, vắt cắn. Bỗng một chiều, Tilo chợt vui sướng hết cỡ và reo toáng lên như một đứa trẻ, khi ông tìm thấy chỗ ngủ nơi con voọc mông trắng vừa rời hang động biến mất trong rừng.

Một lần vào chợ huyện Nho Quan, Tilo sững người khi thấy hai con voọc trắng bị thương do bị kẹp bẫy ở chân và ở đuôi đang nằm liệt trên mấy tàu lá chuối khô. Ông bàng hoàng, bởi “mình đi tìm nó suốt mấy tháng trời không gặp nhưng bây giờ lại thấy nó bị đem bán trước mắt mình”. Tilo tỏ vẻ bất bình rồi rút ví mua ngay. Hai tay ông ôm hai chú voọc, chạy tìm xe thồ thuê chở về rừng Cúc Phương để kịp cứu hộ.

Sau “kinh nghiệm” này, ông dành nhiều thời gian “đột nhập” ở những nơi mà ông gọi là “chợ thú” tận các tỉnh xa. Ở một góc ẩm ướt của chợ Đồng Xuân (Hà Nội), ông lại bàng hoàng khi thấy hàng trăm con khỉ, voọc, cu li, da hổ, báo bày bán công khai. Ông “hăng tiết” lắm nhưng rồi cũng chỉ biết im lặng quay đi.

Từ “chợ thú”, ông liên hệ với nhiều cơ quan kiểm lâm để đặt quan hệ sau này xin những con thú thuộc loài linh trưởng đưa về cứu hộ. Xong việc, ông và một số cán bộ khoa học VN mở rộng địa bàn khảo sát, đi nghiên cứu các loài linh trưởng từ các Vườn rừng Quốc gia Ba Vì, Tam Đảo, Bạch Mã, Bến Én, Pù Mát, Côn Đảo... rồi ông quay về Đức viết dự án “Bảo tồn loài voọc mông trắng trong tự nhiên ở rừng Quốc gia Cúc Phương-VN”. Dự án viết xong, được Hội động vật VN và Hội động vật Frankfurt-CHLB Đức phê chuẩn nhưng không có chuyên gia nào sang làm. Tilo lại tình nguyện “bay” sang rừng Cúc Phương.

Năm 1993, từ kết quả khảo sát về voọc mông trắng, một trung tâm cứu hộ thú linh trưởng ra đời tại Vườn rừng Quốc gia Cúc Phương. Lúc đầu, theo kế hoạch dự án sẽ hoạt động trong vòng ba năm, nhiều lắm là bốn năm nhưng năm 1996 thấy động vật hoang dã bị săn bắn đến mức báo động, Tilo hai lần đề xuất kéo dài dự án thêm ba năm rồi năm năm.

Năm 2004, thấy nguy cơ săn bắt động vật khó giảm, Tilo lại đề xuất mở rộng dự án thêm năm năm nữa. Nhưng thực trạng xâm hại động vật hoang dã không giảm, Tilo lại xin “nới” dự án ra. Đến nay thì ông bảo: “Chắc là tôi phải ở lại VN luôn, vì khoảng 50 năm nữa dự án này mới có thể đạt kết quả như mong muốn”.

Tình đời

Chuyện tình ở rừng Cúc Phương ảnh 2

Hiền đang phiên dịch cho Tilo.

Cô gái trẻ xinh đẹp, khỏe khoắn trong bộ đồ màu cỏ với nước da trắng mịn, mái tóc cắt ngắn, ánh mắt đầy tự tin... ra mở cổng khu trung tâm bảo tồn, đón tôi vào.

Cô tự giới thiệu: “Em là Hiền, vợ của anh Tilo”. Nhưng phải đến khi ngồi trò chuyện với ông Tây cao kều trong bộ đồ màu xanh như của Hiền, đầu bóng nhẵn, tôi mới thực sự ngạc nhiên vì Hiền sinh năm 1972, ít hơn Tilo đến 31 tuổi. Hiền cười: “Em biết lý do làm anh ngạc nhiên rồi. Em là con gái Hà Nội. Bố em nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao. Úi cha, để có lễ cưới, em phải vượt qua bao nhiêu “cửa ải”. Bây giờ, em là trợ lý tổng hợp dự án kiêm phiên dịch cho anh Tilo. Gia đình em đã có hai bé trai và cái đại gia đình linh trưởng này”.

Tilo dẫn tôi thâm nhập vào thế giới kỳ thú của loài linh trưởng giữa bốn bề tiếng voọc đu, nhảy, đùa giỡn chí choé. Hết gia đình của voọc xám đến gia đình voọc Hà Tĩnh, voọc Lào... Tilo giải thích: “Ở đây có 15 loài voọc nhưng chỉ có 9 loài cho sinh sản. Trong 5 năm gần đây có 60 cá thể  được sinh sản. Đặc biệt hơn trong khu vườn chưa đầy 2 ha này có 6 loài voọc duy nhất ở VN mà thế giới không có, đẹp nhất là voọc mông trắng Cát Bà”.

Tôi ngước nhìn chú voọc mông trắng đang ngồi vắt vẻo trên cành cây trong nhà lưới. Sau cái mông trắng như bông gòn là cái đuôi màu trắng sữa dài cỡ 3m đang thả xuống mềm mại. Tilo nói: “Ở VN, voọc mông trắng Cát Bà chỉ có khoảng 100 cá thể, ít nhất trong các loài voọc của thế giới nhưng lại xếp đầu bảng trong hơn 300 loài linh trưởng. Có một chú voọc được Hiền đặt tên là Mai Hoa, vì cô ấy trước khi làm mẹ đã từng làm “mẹ Voọc” chăm cho nó bú sữa rất kỳ công, mới có thể cứu sống được nó sau khi một đơn vị kiểm lâm mang đến cứu hộ”.

Voọc Chà Vá chân xám là một loài mới được Tilo  phát hiện năm 1997, sau khi ông đưa con voọc Chà Vá này xét nghiệm, kết quả cấu tử gien khác với voọc chân đỏ và voọc chân đen. Ông bảo: “Nuôi sống voọc mẹ đã khó, nuôi các chú voọc con trưởng thành khó hơn nhiều, vì nhiều voọc mẹ sinh con nhưng không có sữa. Tôi hướng dẫn cô Hiền kiên trì nuôi chúng bằng cách cho chúng bú sữa không pha đường. Chú voọc có tên Hương Giang được Hiền chăm bẵm, giờ đã thành mẹ của hai con voọc mới sinh”.

Do thành công trong việc cứu hộ, chăm sóc và cho sinh sản, ông Tilo đã nhiều lần đi báo cáo tại hội nghị quốc tế về kinh nghiệm bảo tồn các loài linh trưởng. Năm 2000, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên của quốc tế (LUCN) nhận xét: “Nhiều vườn thú trên thế giới nuôi voọc nhưng không thành công như ở Vườn rừng Quốc gia Cúc Phương. Đây là một mô hình tốt nhất thế giới”.

Qua thời kỳ bú sữa, thức ăn của voọc là lá cây rừng. Lúc đầu Tilo đi tìm 300 loại lá khác nhau cho voọc ăn. Qua thử nghiệm, chọn lọc, nay chỉ còn lại 180-200 loại lá được tất cả các loài voọc thích ăn. Một ngày chúng ăn 7 loại lá, chia ba bữa, mỗi bữa khoảng 200 kg.

Tilo dẫn tôi đến bên “vườn trẻ” rồi ông mở cửa bước vào. Tức thì đàn voọc tí hon ùa đến bám sau lưng, ngồi lên vai ông. Có chú voọc tinh nghịch đưa cả hai bàn tay lông lá, sắc nhọn xoa xoa trên cái đầu hói của Tilo đang cúi thấp xuống.

Bên “vườn trẻ” Hiền bế con đứng nhìn Tilo, cười: “Anh ấy suốt ngày quấn vào công việc nhưng khi vợ ốm đau thì mọi sự chăm con, nấu ăn, rửa bát, quét nhà đều do tay anh Tilo lo liệu hết”. Tilo đáp lại: “Tính tôi lục cục đàn ông, không yểu điệu thục nữ mà vẫn có duyên gớm đấy nhỉ”.

Nói đoạn, Tilo chỉ tay sang khu rừng bán tự nhiên rộng 4 ha với vẻ hứng khởi: “Sau thời gian chăm sóc, tất cả các con voọc này được chuyển sang khu rừng nội vi để tập làm quen với môi trường sống, trước khi chúng được thả về với tự nhiên. Linh trưởng là nhóm động vật giống con người nhất. Ta cũng là linh trưởng đấy. Tôi có cảm giác, tất cả đều hạnh phúc khi được sống trong thiên nhiên”.

Sông Lam

Tin cùng chuyên mục