Để triển khai Luật Thủy lợi, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng, dịch vụ công ích thủy lợi vào ngày 30-6-2018. Đến nay, Bộ NN-PTNT và UBND của 46 tỉnh đã ban hành giá cụ thể cho các sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018-2020 cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi trực thuộc.
Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên thực hiện giá thủy lợi cho nhiệm vụ thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt cho 2 công trình âu thuyền Báo Văn và Mỹ Quan Trang, được Bộ Tài chính thẩm định kết quả. Hiện còn 17 địa phương chưa ban hành giá công ích giai đoạn 2018-2020.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc chuyển thủy lợi phí sang thủy lợi giá bắt buộc phải triển khai vào năm 2021, đơn vị nào không chuyển được từ phí sang giá sẽ không được sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện, Nhà nước đang phải cấp hỗ trợ cho các công ty quản lý công trình thủy lợi mỗi năm khoảng 6.700 tỷ đồng. Số tiền này chưa đủ hỗ trợ cho chi phí thực tế mà các công ty đang phải bỏ ra thực hiện. Nguồn cấp này đang chiếm 81,5% tổng chi phí của các công ty. Để các công ty hoạt động mà không cần nguồn cấp bù này, các công ty phải tự lo được 81,5% nguồn này, có nghĩa phải tăng giá các nguồn thu, bao gồm cả tiêu thoát nước đô thị, cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp.
°Ngày 7-12 tại Hà Nội đã khai mạc “Tuần lễ nông sản Hòa Bình” tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, thu hút 33 hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình tham gia trưng bày tại 47 gian hàng đặc sản. Tại đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông sản của tỉnh Hòa Bình đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm với hệ thống Saigon Co.op.