Tốt nghiệp trung học là kỳ thi vô cùng quan trọng vì nó quyết định rất nhiều về tương lai sự nghiệp của một học sinh. Các trường đại học trong nước sẽ thu nhận sinh viên vào học ở trường của mình chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ thi HSC này.
Khi bước vào lớp 12, học sinh Australia được quyền chọn những môn học mà mình yêu thích để dự thi HSC, chứ không phân bổ từng ban hay khối như ở Việt Nam. Tổng cộng có khoảng 115 môn học để học sinh lựa chọn, trong đó có môn ngoại ngữ tiếng Việt. Mỗi học sinh phải ghi danh thi tối thiểu là 12 tín chỉ để có bằng HSC.
Thông thường, đối với những học sinh từ Việt Nam qua Australia du học hay định cư khi đã vào lứa tuổi lớn, tức là bắt đầu học ở Australia vào những lớp 10, 11 hay 12... thì trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ tiếng Anh, nên thông thường đa số đều chọn những môn thiên về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Vi tính... để dễ đạt được điểm cao trong kỳ thi này. Và dĩ nhiên, đa số ai cũng chọn thêm môn ngoại ngữ tiếng Việt. Học sinh từ Việt Nam qua thường giỏi về môn Toán nên có học sinh chọn đến 4 tín chỉ về Toán (Mathematics General, Maths, Maths Extension 1 & 2) và 8 tín chỉ khác, thì được phân chia trong các môn học mà mình yêu thích, trong đó có môn Anh văn bắt buộc tối thiểu phải 2 tín chỉ. Môn thi Anh văn là môn học về văn chương chứ không phải học về kỹ năng Đọc, Nghe, Nói, Viết như những kỳ thi IELTS hay TOEFL.
Thời gian gần đây, ở Australia đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận quanh chuyện cải cách chương trình giảng dạy. Để bắt kịp sự phát triển của xã hội cũng như thế giới, học sinh - sinh viên sẽ cần kiến thức sâu rộng và phát triển các kỹ năng mềm dựa trên nền tảng tri thức đó.
Lớp trẻ sẽ phải biết cách làm việc chăm chỉ một mình và cộng tác theo nhóm. Các em cũng cần biết tận dụng những sáng tạo mới nhất của công nghệ. Tôi nghĩ không chỉ học sinh hay sinh viên, về khía cạnh nào đó, các giáo viên giỏi nhất cũng không tránh khỏi chuyện bị ám ảnh về tương lai. Họ biết những nỗ lực tốt nhất của họ sẽ không chỉ được nhìn thấy qua các học sinh giỏi học tập ở trường học, mà còn qua cả cuộc sống của các em ở nhiều năm sau đó. Thách thức dành cho thầy cô đơn giản là sự công nhận rằng thế giới đang thay đổi nhanh chóng và vì thế, các trường cũng phải thay đổi.
Thay đổi để mang lại sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai các em, để các em vững vàng đối mặt với sự phức tạp hơn trong một thế giới đòi hỏi khắt khe hơn. Vì lý do này, ngành giáo dục Australia đã rất thiện chí khi tỏ ra sẵn sàng lắng nghe các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để cải thiện kết quả dạy và học. Mô hình giáo dục cũ tuy có những giá trị bất biến nhưng cũng cần linh hoạt theo nhu cầu xã hội. Môi trường làm việc mới là nơi học tập suốt đời. Và trường học là nơi thiết lập nền tảng cho hành trình học tập không ngừng nghỉ đó.