Sự việc này bắt nguồn từ một văn bản của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, đơn vị thuộc Bộ VH-TT-DL, gửi cho một số hội văn học nghệ thuật các tỉnh phía Nam về gia hạn đăng ký các lớp chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng I, II, III, IV.
Trong văn bản do quyền Hiệu trưởng PGS-TS Nguyễn Văn Minh ký, ghi rõ: “Thực hiện Công văn số 693/BVHTTDL-TCCB ngày 27-2-2019 của Bộ VH-TT-DL về việc tổ chức lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp họa sĩ, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM đã ra Thông báo số 225/TB-ĐHMTHCM, ngày 14-8-2019 về việc chiêu sinh các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh họa sĩ hạng I, II, III, IV…”.
Mang câu chuyện này tới gặp họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Thành cũng bày tỏ ngạc nhiên, vì “hình như có sự hiểu lầm gì ở đây!”. Cục có tham gia đề án bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp họa sĩ, do Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VH-TT-DL) chủ trì, theo yêu cầu của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, đối tượng tham gia là các họa sĩ thuộc diện biên chế Nhà nước chứ không điều chỉnh chung đối với lực lượng họa sĩ tự do. “Những đối tượng này tham gia lớp bồi dưỡng để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh lương…”, ông Vi Kiến Thành nói.
Dù văn bản đề cập đối tượng đăng ký tham gia lớp học gồm cán bộ, viên chức là họa sĩ, tuy nhiên nó lại được gửi tới các hội văn học nghệ thuật, việc hiểu nhầm gây hoang mang là điều không tránh khỏi. “Đội ngũ họa sĩ tự do, ngoài biên chế rất đông đảo. Cách thể hiện trong văn bản chưa rõ ràng có thể khiến người làm nghề hiểu sai và liên tưởng đến việc phân hạng theo trình độ”, ông Vi Kiến Thành nhận định. Để tránh những hiểu lầm, thậm chí dẫn đến những bức xúc không đáng có, phải nói lại cho rõ.