
Quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện
PHÓNG VIÊN: Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết kết quả nổi bật trong hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng BÙI THANH SƠN: Việt Nam - Trung Quốc là láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, đặc biệt là sau các chuyến thăm lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước những năm gần đây, quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, là:
Thứ nhất, tin cậy chính trị được tăng cường thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, trên cả bình diện song phương và đa phương. Cùng với đó, quan hệ giao lưu, hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính hiệp và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, nhất là bộ, ngành chủ chốt như ngoại giao, quốc phòng, công an và các địa phương biên giới cũng ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, hình thành nhiều cơ chế, chương trình hợp tác hiệu quả, thực chất
Thứ hai, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng có bước phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỷ USD theo số liệu của Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.

Thứ ba, nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18-1-1950 - 18-1-2025), tháng 1-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm quan trọng, tuyên bố khởi động “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”, tạo động lực mới cho giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch giữa hai nước vốn đã diễn ra rất sôi động với nhiều hình thức đa dạng. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác thiết thực.
Thứ tư, hai bên kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên cơ sở “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” ký năm 2011 và cơ chế Đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, cùng các cơ chế trao đổi, đàm phán về vấn đề trên biển, hai bên đã duy trì trao đổi thường xuyên, thúc đẩy giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, đạt được một số kết quả tích cực, nhất là về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Xin Phó Thủ tướng chia sẻ về ý nghĩa và kỳ vọng của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình?
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và là chuyến thăm lần thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất mong đợi và kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trên một số phương diện.
Thứ nhất, tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao, đặc biệt là tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước; qua đó làm vững chắc hơn nữa nền tảng tin cậy chính trị, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị và phát triển đất nước, định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thứ hai, xác định những phương hướng lớn, trọng tâm triển khai hợp tác trên các lĩnh vực; nâng tầm hợp tác thực chất giữa hai nước theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững; thúc đẩy tạo “điểm sáng” về hợp tác trình độ cao, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh... đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Dự kiến trong chuyến thăm, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực, tạo cơ sở quan trọng để triển khai hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ ba, lan tỏa hiệu ứng tích cực của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai bên; thúc đẩy triển khai tốt Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, mở rộng hợp tác giữa các địa phương hai nước; qua đó tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, phát huy tình hữu nghị truyền thống, củng cố nền tảng dân ý tốt đẹp cho quan hệ song phương.
Thứ tư, thông qua trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, thực chất, hiểu biết lẫn nhau, đặt mình vào vị trí của nhau để cùng xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển theo nhận thức chung cấp cao, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch
Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm tháng 8-2024, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã thống nhất xác định năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc” nhân dịp kỷ niệm 75 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, ra đời trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung sau khi được nâng tầm lên định vị mới “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược” (tháng 12-2023) có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện theo định hướng “6 hơn”. Việc triển khai Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc có một số ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai Đảng, hai nước.
Trước hết, đây là dịp để hai bên ôn lại những chặng đường và tri ân công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai Đảng, hai nước, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày nay.
Thứ hai, Năm giao lưu nhân văn là động lực và là cơ hội để hai bên cùng nhau đẩy mạnh hơn nữa hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch; phối hợp triển khai sâu rộng các hoạt động giao lưu hữu nghị; qua đó giúp cho các tầng lớp nhân dân hai nước hiểu biết đầy đủ hơn về văn hóa, đất nước, con người của nhau. Đặc biệt để cho thế hệ trẻ hai nước tiếp bước cha anh, kế thừa, gìn giữ và không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp của tình hữu nghị truyền thống - tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt - Trung.
Thứ ba, Năm giao lưu nhân văn là “chất xúc tác”, chất keo gắn kết để các ban, bộ, ngành, địa phương, đoàn thể nhân dân hai nước tăng cường giao lưu hợp tác, cùng nhau triển khai hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, đặc biệt là các Tuyên bố chung và văn kiện đã ký kết; qua đó mang lại nhiều hơn nữa những thành quả thực chất cho quan hệ song phương, đóng góp thiết thực cho sự phát triển giàu mạnh, phồn vinh của mỗi nước trong kỷ nguyên mới, thời đại mới.
Thứ tư, thông qua các hoạt động và kết quả tích cực nêu trên sẽ góp phần củng cố, làm vững chắc nền tảng xã hội của quan hệ song phương, tạo không khí tích cực, tin cậy, có lợi cho việc kiểm soát bất đồng, đàm phán giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.