Chuyện nông sản, đặc sản ở các tỉnh ĐBSCL chuyển đến TPHCM bằng con đường sông nước đã có từ hàng trăm năm nay, Bến Bình Đông (quận 8) - dấu xưa còn lại như một minh chứng với thời gian, mỗi năm nhộn nhịp chợ hoa trên bến dưới thuyền.
Trong một tọa đàm diễn ra vào cuối năm ngoái, nhiều ý kiến từ các chuyên gia nhận định, không gian công cộng ở TPHCM rất đặc biệt, nếu nói đô thị này sinh ra từ sông nước cũng không ngoa. Từ những ngày đầu hình thành, thành phố gần như được sinh ra giữa những dòng sông, được ôm trọn bởi sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè… Những dòng sông, con rạch cứ thế hòa mình vào tiến trình phát triển của không gian đô thị.
Tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải, những chuyến ghe thương hồ xuôi ngược về thành phố dần chỉ còn là hoài niệm, khi các cao tốc mở ra, việc vận chuyển nhanh và hiệu quả hơn. Nhưng có ai ngờ, một ngày, vận chuyển đường thủy lại gỡ khó một phần cho tình huống cấp bách trên bộ, một luồng xanh đường thủy mở ra để mỗi chuyến tàu cao tốc từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… cập bến Bạch Đằng tương đương với 30-40 xe tải rau.
Dấu xưa trở lại mang dáng dấp của nét giao thương ở đô thị sông nước thuở nào, không phải để người ta hoài niệm, hay thí điểm các đề án xây dựng không gian văn hóa công cộng đô thị…, mà lúc này là để chia sẻ và hỗ trợ nhau bằng cái tình của người dân Nam bộ. Toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và một số địa phương đã ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dù ít dù nhiều, khó khăn đã có trên vai, nhưng tình người vẫn nghĩ đến nhau trong hoạn nạn, các chuyến xe nông sản từ các tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn hướng về thành phố. Trong tình thế khó trên đường bộ, tàu cao tốc cũng sẵn sàng tháo ghế để chở nông sản miệt vườn về thành phố…, đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân.
Trước đó không lâu, người ta còn kêu gọi nhau giúp nông dân tiêu thụ khoai lang tím…, thì hôm nay, một củ khoai, trái bắp, bó rau cũng được người dân miệt vườn gom góp gửi về thành phố. Không chỉ là rau củ quả, những chuyến hàng còn có cả đặc sản miền sông nước, như: khô, cá, mắm cũng được gửi kèm. Chuyện chống dịch hẳn còn kéo dài và không chỉ miếng ăn là đủ… nhưng điều khiến người ta trân quý và xúc động chính là nét hào sảng “của ít lòng nhiều”, có bao nhiêu cũng gom góp gửi về cho bà con thành phố đang căng mình chống dịch.
Các đoàn y bác sĩ từ các tỉnh chi viện về thành phố, những chuyến xe, chuyến tàu nông sản từ khắp các tỉnh thành Bắc - Trung - Nam… cập bến với hàng hóa chất cao ngất cùng một niềm tin mong thành phố sớm chiến thắng dịch bệnh. Đâu đó, tôi đọc được có bình luận viết rằng, chúng ta đang sống trong những khoảnh khắc của lịch sử… hẳn là cũng có cơ sở. Chuyện chống dịch khó khăn và kéo dài là tất nhiên, nhưng khó khăn nào rồi cũng đi qua, bởi thành phố đâu chỉ có một mình, mà có sự chia sẻ và hỗ trợ của người dân cả nước cùng hướng về, đoàn kết luôn có một sức mạnh diệu kỳ của nó.
Khi những ngày gian nan qua đi, lúc thảnh thơi, có lẽ người dân thành phố sẽ mãi không quên những chuyến tàu, chuyến hàng nông sản, những chút quà quê chắt chiu trong ngày khó khăn này.