Đào tạo những con người có bản lĩnh, chủ động và sáng tạo
Nói một cách khái quát và đơn giản, triết lý giáo dục là tinh thần chủ đạo của giáo dục, là định hướng vận hành của toàn bộ hoạt động giáo dục. Về hình thức, triết lý giáo dục phải được trình bày dưới dạng cô đúc, ngắn gọn. Về nội dung, điều quan trọng là triết lý giáo dục phải chỉ ra được những yêu cầu cơ bản của sản phẩm mà nền giáo dục hướng tới, tức là phải trả lời câu hỏi hoạt động dạy - học nhằm mục đích gì, nền giáo dục muốn đào tạo ra con người như thế nào, sống và làm việc trong một xã hội ra sao. Trong mỗi bối cảnh chủ thể - không gian - thời gian cụ thể khác nhau, hoạt động giáo dục có thể hướng đến những mục đích khác nhau, tạo nên những triết lý giáo dục khác nhau. Những triết lý giáo dục khác nhau này sẽ quy định những nội dung và phương pháp giáo dục khác nhau tương ứng.
Có những tư tưởng thể hiện triết lý giáo dục Việt Nam cần tiếp tục duy trì, có những tư tưởng cần thay đổi cho phù hợp với giai đoạn hiện tại. Ví dụ như tư tưởng “giáo dục toàn diện đức, trí, văn, thể, mỹ” thể hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, hiện nay chúng có xu hướng được gom lại trong hai yêu cầu về năng lực và phẩm chất. Các tư tưởng “học mãi để tiến bộ mãi”, “học suốt đời”, “xây dựng xã hội học tập” là phương châm, chiến lược giáo dục về cơ bản đúng không chỉ cho Việt Nam, mà cả thế giới; không chỉ cho bây giờ, mà cả mai sau. Hay tư tưởng “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại” của UNESCO thể hiện mục tiêu giáo dục trong một thế giới hội nhập với cuộc sống luôn biến đổi. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà giá trị nền tảng của xã hội đã thay đổi từ ưa ổn định sang cần phát triển, thì bên cạnh hai mục tiêu về năng lực và phẩm chất “chăm ngoan học giỏi” mà dân chúng đề cao, cần nhấn mạnh yêu cầu đào tạo những con người có bản lĩnh, chủ động và sáng tạo để có thể hòa nhập và thích ứng được trong một thế giới luôn biến đổi.
Chúng ta đang sửa đổi Luật Giáo dục. Luật Giáo dục là văn bản pháp quy chuyên ngành cao nhất, còn triết lý giáo dục là tư tưởng chủ đạo làm định hướng vận hành cho toàn bộ hoạt động giáo dục, vì vậy việc đòi hỏi phải đưa triết lý giáo dục vào luật là một yêu cầu hoàn toàn hợp lý. Chúng ta cần phải chọn loại triết lý giáo dục nào, xác định nội dung triết lý giáo dục đó là gì.
Gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, và dễ triển khai
Lâu nay chúng ta vẫn nói đến triết lý giáo dục của Phần Lan, Singapore, Nhật Bản... Tuy nhiên nếu truy tìm đến tận gốc sẽ thấy những thông tin này không hoàn toàn chính xác, chúng vừa đúng vừa sai. Không có một quốc gia nào trong số các nước này có tuyên bố hiển ngôn về triết lý giáo dục trong các văn bản pháp quy của họ. Nhưng trong các văn bản pháp quy như luật giáo dục hoặc hiến pháp của các nước này thường vẫn trình bày các mục đích, mục tiêu, nguyên lý, tính chất giáo dục. Thực tế, chúng là những tuyên bố “hàm ngôn” về triết lý giáo dục, chính là những tư tưởng chủ đạo làm định hướng vận hành cho hoạt động giáo dục mà khái niệm “triết lý giáo dục” đòi hỏi.
Sự khác biệt giữa hiển ngôn và hàm ngôn, tuyên bố và không tuyên bố là ở chỗ triết lý tuyên bố “hiển ngôn” (theo nghĩa hẹp, như quan niệm phổ biến của người Việt Nam) đòi hỏi phải đúc kết toàn bộ các tư tưởng lại trong vài từ, rất khó bao quát được hết nội dung, rất khó đạt được sự đồng thuận. Trong khi “triết lý hàm ngôn” không bị giới hạn về hình thức từ ngữ, độ dài câu chữ mà vẫn có thể trình bày đầy đủ mọi yêu cầu. Đó chính là lý do vì sao không có một quốc gia nào tuyên bố “hiển ngôn” về triết lý giáo dục; trong các văn bản pháp quy của mình, họ chỉ trình bày các mục đích, mục tiêu, nguyên lý, tính chất của giáo dục mà thôi.
Tôi cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành đã thể hiện triết lý giáo dục theo nghĩa “hàm ngôn” qua mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục. Tuy nhiên nội dung này còn một số khiếm khuyết, chưa rõ ràng. Để khắc phục, cần tổ chức lại nội dung của hai điều luật về mục tiêu giáo dục và tính chất, nguyên lý giáo dục.
Điều luật về “mục tiêu giáo dục” nên phân biệt thành hai mức độ là “mục đích” và “mục tiêu”. Mục đích cần thể hiện được sứ mệnh, tầm nhìn của nền giáo dục (như đào tạo con người làm chủ xã hội, xây dựng một quốc gia phát triển bền vững, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trên thế giới) và những yêu cầu chung, khái quát về sản phẩm giáo dục (như yêu cầu giáo dục toàn diện, hoàn thiện nhân cách). Mục tiêu là những yêu cầu cụ thể, chi tiết hơn về sản phẩm giáo dục, mà ta có thể tập trung vào hai nhóm giá trị cốt lõi về năng lực và phẩm chất của người học. Trong yêu cầu về năng lực, cần phân biệt yêu cầu xét từ phía nhà trường và từ phía người học. Trong yêu cầu về phẩm chất, cần phân biệt yêu cầu xét trong quan hệ cá nhân, trong quan hệ xã hội, và trong quan hệ với tự nhiên. Để đào tạo được những con người có bản lĩnh, chủ động, có thể hòa nhập và thích ứng được trong một thế giới luôn biến đổi thì cần chú trọng bổ sung một số kỹ năng quan trọng của thế kỷ XXI như tư duy phê phán, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo, kỹ năng giao tiếp...
Còn với “tính chất, nguyên lý giáo dục” thì bên cạnh các tính chất và nguyên lý giáo dục hiện có, cần bổ sung thêm tính nhân văn, tinh thần tôn trọng tự do học thuật; nguyên lý giáo dục mở và giáo dục suốt đời. Tất cả các tư tưởng này phải thể hiện được tầm triết lý và đáp ứng được hai điều kiện là “cần” và “đủ” (không thiếu và không trùng lặp). Đồng thời cần trình bày sao cho làm nổi bật những giá trị cốt lõi về năng lực và phẩm chất mà người Việt Nam đang thiếu; việc bổ sung những giá trị này sẽ giúp khắc phục những hạn chế riêng do đặc thù của văn hóa truyền thống tạo nên. Nếu thiếu sự nhấn mạnh này mà vẫn trình bày các giá trị cốt lõi một cách dàn trải thì sẽ không thể đạt được yêu cầu tạo ra lớp người có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để đưa đất nước phát triển và đưa xã hội tiến lên.
Việc cấu trúc lại hai điều luật cơ bản về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục như trên sẽ giúp cho nội dung cần chuyển tải của các tư tưởng mang tính triết lý giáo dục thể hiện trong luật giáo dục vừa đầy đủ hơn nhưng cũng vừa trở nên rõ ràng, gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, và do vậy sẽ dễ triển khai thực hiện hơn. Đó cũng là điều rất cần thiết để chúng ta thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.