1. Mới sáng mà cô em họ đến nhà tôi với cặp mắt thâm quầng. Hỏi ra mới biết, mấy ngày qua cô mất ngủ vì buồn giận chồng con. Giận chồng thì ít mà tức con thì nhiều. Cô kể, ai đời mình chăm sóc, lo lắng cho chúng từng li từng tí, thương yêu chiều chuộng hết mực, mà bây giờ trong bốn đứa thì hết ba ngả về phe cha nó.
Hôm nọ, cha chúng đi nhậu về không ăn cơm, mặc dù cô đã bỏ công ngồi chờ. Cô chỉ cằn nhằn về việc này mà chúng xúm vào nói sao mẹ lắm lời thế, cha đi nhậu về không ăn cơm thì thôi. Đây chỉ là giọt nước làm tràn ly, chứ cô đã ấm ức từ lâu vì mình thuộc phe thiểu số ở trong nhà.
Vài ngày sau, đợi cô em đi làm, tôi mới đến nhà, tiếng là thăm các cháu nhưng thực chất là muốn tìm hiểu chuyện phe phía trong nhà này. Cháu lớn tên Trang, năm nay học lớp 12, cho biết: “Mẹ cháu là người lo toan mọi chuyện trong nhà, hết lòng chăm sóc chồng con, nhưng có cái tật là hay ca cẩm. Chúng cháu lớn rồi phải cho độc lập suy nghĩ chứ, đằng này mẹ cháu cứ bắt đứng về phe mẹ bất cứ chuyện gì. Nếu không nghe thì lại cho là phản, là chống này nọ. Cha thích xem bóng đá, còn mẹ thì thích xem phim bộ. Ở nhà có hai cái tivi, mỗi khi có bóng đá chúng cháu theo cha lên lầu xem, một mình mẹ xem phim, mẹ cũng ca cẩm cho rằng mình bị bỏ rơi. Cha cháu rất vui tính, đi làm về thường kể cho chúng cháu nghe những chuyện trong cơ quan, cha con quây quần nói cười, mẹ cũng tỏ ra không thích. Mẹ chỉ muốn mọi đứa con phải thuộc về mẹ, theo phe mẹ”.
Vậy là đã rõ, cô em họ tôi bị “cô lập” là do không chịu hòa đồng cùng các thành viên mà muốn mọi người phải theo mình. Cũng may em rể của tôi là người luôn yêu thương lo lắng cho vợ con, còn các cháu cho dù theo phe cha nhưng cũng rất yêu mẹ. Tôi sẽ tìm lời khuyên giải và tin rằng cô em tôi sẽ nghĩ lại, rồi gia đình của họ lại trở nên đầm ấm.
2. Không đơn giản như gia đình cô em họ, gia đình ông bạn tôi lại gặp chuyện phe phía phức tạp hơn nhiều. Ông có tất cả bốn đứa con đã thành gia thất. Ba đứa con gái lớn có gia đình ở riêng, chỉ thằng út chung nhà với vợ chồng ông. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến khi nó lập gia đình. Vợ nó xuất thân con nhà nghèo nhưng rất siêng năng, đảm việc nhà và chăm sóc cha mẹ chồng hết sức chu đáo. Thế nhưng, sự đời không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành. Cô dâu út của ông luôn phải chịu cặp mắt xét nét của các bà chị chồng. Họ sợ cô bòn rút của nả đem về cho gia đình mình nên thường xuyên về nhà rù rì rủ rỉ với mẹ. Lần hồi, bà cũng bị nghiêng ngả theo lời ton hót của các cô con gái và thay đổi thái độ với con dâu.
Cậu út thì hiền lành, cả ngày đi làm, có nghe vợ nói gì thì cũng chỉ biết khuyên nên nín nhịn. Chỉ có ông bạn tôi là hiểu tính nết của con dâu nên thường an ủi cô mỗi khi cô bị mắng oan và khuyên nhủ vợ hãy cư xử cho công bằng. Chính vì vậy mà ông cũng bị vợ chì chiết này nọ, còn các cô con gái thì có chuyện gì cũng về nhỏ to với mẹ chứ không hề biết đến ông, rồi lại còn vận động mẹ đòi chia của, sợ sau khi ông bà chết thì tài sản rơi vào tay người ngoài. Ông tức lắm, tuyên bố không thỏa mãn yêu sách kỳ cục này. Nhưng bà vợ lại nghe theo các con, áp lực với ông đủ điều và đòi ngăn căn nhà ra làm hai, phần của bà, bà toàn quyền chia chác cho các con.
Mới đây, tôi đến thăm, thấy ông phờ phạc hẳn. Ông nói: “Phải chi trước đây tôi kiên quyết hơn với chuyện phe phía. Tôi cứ nghĩ con gái về phe mẹ là thường, vả lại lúc đó chỉ là những chuyện vặt vãnh”. Từ chuyện vặt vãnh về phe phía, giờ đây đã biến thành nghiêm trọng khiến ông mất ăn mất ngủ.
3. Ở gần nhà tôi có gia đình ông Quang. Ba người con của ông đã có vợ con nhưng vẫn sống chung với cha mẹ. Thế là lại năm bè, bảy phái suốt ngày cự cãi với nhau khiến ông phải đứng ra giải quyết hết vụ nọ đến vụ kia. Bênh đứa này thì đứa kia phiền lòng. Những đứa nhỏ theo phe cha, phe mẹ cũng gây gổ, đánh nhau và không xem tình máu mủ là quan trọng. Ông thường than thở với tôi: “Cũng tại mình trước đây chỉ biết lo làm ăn mà quên dạy dỗ chúng tinh thần đoàn kết. Cứ nghĩ ở chung nhà, chúng sẽ thương yêu nhau hơn, nào ngờ”.
Bây giờ ông không biết giải quyết sao, vì có bán nhà đi nữa thì cũng không đủ chia chác cho chúng ra riêng. Đứa nào cũng nghĩ mình dại gì ra riêng trước để nhà cho đứa khác hưởng nên cứ bám víu ngôi nhà của cha mẹ để rồi hàng ngày hục hặc với nhau.
Tôi cũng chẳng biết khuyên ông thế nào. Chỉ mong những người con của ông nghĩ đến tình máu mủ, đến sự nhọc nhằn của cha mẹ nuôi chúng nên người mà sống hòa thuận với nhau.