Ám ảnh từ vụ tai nạn
Đường trục phía Nam thủ đô Hà Nội (dân địa phương thường gọi là đường Cienco 5) được khởi công xây dựng năm 2008, chạy qua xã Tam Hưng. Con đường có nhiều phương tiện giao thông lưu thông. Tuy vậy, tại một số giao lộ chưa có hệ thống đèn tín hiệu, camera giao thông, khiến cho giờ cao điểm có lúc bị rối ren và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đường lớn, lái xe tải chủ quan, chạy tốc độ cao, vì vậy đã xảy ra nhiều vụ tai nạn
giao thông thương tâm.
Ông Bùi Tiến Năm ngậm ngùi kể lại vụ tai nạn của hai chị em trên tuyến đường này cho tôi nghe: “Hôm đó, khi tôi đang làm ruộng ở gần đường, nghe thấy một tiếng va chạm mạnh, vội chạy lên đường xem thì thấy vụ tai nạn giao thông giữa một xe máy với xe đạp điện ở đoạn giao nhau giữa đường huyện và đường Cienco 5. Hai cô gái bị ngã ra đường, chiếc xe đạp điện nát tan, tôi hô hoán người dân khẩn cấp đưa hai cháu vào bệnh viện gần đó, nhưng đến nơi, cả hai cháu đã qua đời, đó là hai chị em ruột”.
Từ vụ tai nạn đó, ông Năm thấy nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan. Nếu chấp hành nghiêm luật, ý thức toàn xã hội cao thì sẽ không còn tai nạn giao thông. Hai cô gái xấu số trên chiếc xe đạp điện va chạm với xe máy đều đi với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, còn đoạn đường mới vắng vẻ chưa có biển báo, hệ thống đèn giao thông đã khiến cho những số phận không may mắn rời xa cuộc đời
chỉ trong tích tắc.
Ngoài vụ tai nạn đó, ông Năm cũng như nhiều người dân thôn Văn Khê và Bùi Xá từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông khác, trong đó có không ít nạn nhân là học sinh thuộc các trường tiểu học, THCS xã Tam Hưng, trên đường đi học. Nhất là khi các cháu được gia đình trang bị cho xe đạp điện, xe máy để đi học, rồi hầu hết đều không đội mũ bảo hiểm, không hiểu luật giao thông.
Người dân địa phương gọi đoạn đường huyện chạy cắt ngang đường Cienco 5 là đường Rặng Muỗi. Niềm vui khi có đoạn đường trục chạy qua địa phương để phát triển kinh tế còn chưa được thấy rõ thì người dân chứng kiến tai nạn giao thông liên tiếp. Chính điều này khiến ông Năm cảm thấy ám ảnh, thôi thúc và rồi vào đầu năm 2019, ông quyết định làm chuyện “gàn dở” - bỏ công phân luồng giao thông, giúp trẻ qua đường an toàn.
“Nhân viên” chăm chỉ
Ông Năm vốn có nhiều năm làm bảo vệ ở quận Tây Hồ, Hà Nội, vì vậy mà ông chẳng ngại nắng mưa, nguy hiểm, ngày nào cũng có mặt tại ngã tư giao nhau giữa đường Cienco 5 và đường huyện để phân luồng giao thông. Mới đầu, các phương tiện tham gia giao thông khá bất ngờ khi thấy một người đứng giữa ngã tư, tay cầm gậy và cờ, thổi còi ra hiệu liên tục nhưng lại không phải lực lượng công an giao thông. Có phương tiện chấp hành cũng có phương tiện không, người làng có người đồng tình, cũng có người phản đối, cho rằng đó không phải việc của ông, nhỡ may xảy ra tai nạn thì khổ cả đôi bên. Ấy vậy, lâu dần thành quen, các phương tiện khi di chuyển gần đến giao lộ đều chủ động giảm tốc độ và làm theo tín hiệu của ông Năm. Ngày mưa, họ vẫn thấy một ông già mặc áo phản quang, tay cầm cờ, gậy phân luồng.
Ngoài việc phân luồng giao thông, ông Năm còn sơ cứu rất nhiều vụ tai nạn giao thông, đưa nạn nhân kịp thời tới bệnh viện. Mới đây, có vụ xe máy vượt đèn đỏ tông vào một nữ sinh của Trường THPT Thanh Oai B, nữ sinh bị ngã xuống mương nước gần đó, có dấu hiệu không được tỉnh táo. Ông Năm đã nhanh chóng xuống mương bế nữ sinh lên sơ cứu, rồi cùng người dân đưa ngay vào Bệnh viện huyện Thanh Oai. Mọi tài sản từ xe, túi xách, giày dép, điện thoại đều được ông Năm bảo quản cẩn thận, rồi bàn giao lại cho người nhà.
Bà Lương Thị Quyết, vợ ông Năm, phân trần: “Hồi ông ấy thôi làm bảo vệ ở quận Tây Hồ rồi về quê làm bảo vệ, thu nhập được vài triệu một tháng, nhà cũng có đồng ra đồng vào. Bỗng dưng ông ấy bỏ. Sáng nào cũng dậy từ 5 giờ rồi ra phân luồng giao thông cho đến khi học sinh đi học hết. Chiều từ 4 giờ đến 6 giờ, có hôm thì trưa đang ăn cơm, cô hàng nước ở ngã tư gọi điện báo có va chạm là ông lại bỏ bát bỏ đũa chạy vội ra để giải quyết. Tôi khuyên nên kiến nghị với xã để họ phân công người làm việc này, ít ra như vậy còn “danh chính ngôn thuận”, họ được hưởng chút phụ cấp, hoặc bảo hiểm xã hội. Đằng này nhất quyết không, cho dù chẳng ai nhờ, chẳng ai ghi nhận, rồi còn có người cho là làm việc bao đồng, vác tù và hàng tổng”.
Đến giờ, giao lộ Cienco 5 và đường Rặng Muỗi đã có hệ thống đèn tín hiệu, ông Năm lại dịch chuyển về ngã tư Bả Bụt - Rặng Muỗi để phân luồng, dẫn trẻ qua đường. Không những thế, trong các buổi họp của thôn, ông Năm luôn tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, nhắc nhở mọi người không được phơi rơm, thóc trên đường giao thông, không được để vật liệu xây dựng lấn chiếm đường, ai đi xe máy đều phải đội mũ bảo hiểm, còn ai đã uống rượu, bia mà lái xe đều bị ông Năm “tuýt còi”.
Người dân thôn Văn Khê kể, ông Năm còn có biệt danh “bắt cướp”. Vốn biết chút ít võ thuật và bản tính dũng cảm, ông Năm đã bắt được nhiều vụ cướp giật, trộm cắp. Khoảng 5 năm trước, trong làng có vụ giết người do mâu thuẫn anh em. Kẻ giết người rất hung hãn, trên tay lăm lăm con dao bầu. Trong lúc người dân hoảng loạn, ông Năm lén ra sau kẻ đó, dùng tay không quật rơi con dao, khóa tay hắn lại giao cho lực lượng an ninh.
Khoảng đầu năm 2020, khi đang đi tuần tra trên đường Rặng Muỗi, ông Năm nghe thấy tiếng tri hô “cướp” và thấy tên cướp đang phóng xe máy rất nhanh. Sẵn dùi cui trên tay, ông Năm đã quật hạ tên cướp, khống chế và bàn giao cho công an xã. Anh em công an xã Tam Hưng thân mật gọi ông Năm là “anh Cả” an ninh của xã.
Ông Dương Quý Đáng, Bí thư chi bộ thôn Văn Khê, cho biết: Việc làm của ông Năm hoàn toàn là tự nguyện. Có ông, người dân qua lại, đặc biệt là học sinh đi học thấy yên tâm hơn.
Với những việc làm tình nguyện đó, ông Năm được tuyên dương Người tốt việc tốt huyện Thanh Oai năm 2020.