Ghé thăm Trung tâm Điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Thủ Đức (TT), chúng tôi chứng kiến những câu chuyện vui buồn của những bệnh nhân tâm thần, trong đó phần lớn là người vô gia cư. Dù được các y - bác sĩ điều trị và chăm sóc chu đáo nhưng điều đó không thể khiến họ - trong những lúc tỉnh táo - nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình, khao khát được yêu thương và sống một cuộc đời như bao người bình thường.
1. Phần lớn họ là những người bệnh nghèo không tên không tuổi, sống lang thang, được cơ quan chức năng đưa vào nuôi dưỡng tại TT. Chúng tôi vào thăm khu C, nơi chăm sóc gần 200 nữ bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Qua lớp cửa sắt đã khóa kín, nhiều bệnh nhân đưa tay vẫy chúng tôi nhờ nhắn gửi hoặc gọi điện thoại về gia đình.
Bệnh nhân Đặng Thị Mãi nài nỉ: “Chị ơi nhớ dán tem rồi gởi thư liền cho ba em nha chị… để ba đến đón em về”. Mãi, khoảng 17 tuổi, mới được đưa vào trung tâm khoảng 5 tháng. Mãi kể nhiều về gia đình ở Long An và liên tục hứa: “Em hứa chừng nào ba đón em về thì em không bao giờ đi lang thang nữa đâu”.
Bác sĩ Lương Thị Phượng, Trưởng trại C cho biết: “Khi bệnh nhân tỉnh táo, nhớ ra gia đình, địa chỉ liên lạc thì chúng tôi cũng gọi điện liên lạc giúp, nhưng nhiều trường hợp không liên lạc được (có thể do bệnh nhân nhớ sai) hoặc gia đình từ chối nhận bệnh nhân về”.
Bác sĩ Phượng kể về trường hợp nữ bệnh nhân tên Hoài Thương, khi bác sĩ gọi điện về gia đình thì người mẹ đã thẳng thừng: “Cô giữ nó trong đó luôn đi, nó phá phách lắm, tui không nuôi nữa”. Từ đó đến nay không thấy ai vào thăm Thương. Các y - bác sĩ cũng không thể nói thẳng với bệnh nhân về sự thực đó, đành phải trả lời là không liên lạc được để bệnh nhân đỡ buồn tủi.
Rất nhiều bệnh nhân chia sẻ: “Ở đây không thiếu thứ gì nhưng nhớ nhà lắm!”. Các nữ bệnh nhân chen nhau đọc cho chúng tôi địa chỉ và nhờ liên lạc với ba mẹ, anh chị em và cả người yêu. Trong tâm thức lẫn lộn hư ảo, chỉ còn nỗi nhớ gia đình là tình cảm rõ nét và hằn sâu trong tâm trí họ.
2. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bệnh nhân may mắn có gia đình thương yêu, quan tâm, chăm sóc. Trong những ngày đến TT, chúng tôi thấy nhiều bà mẹ tóc bạc lưng còng xách túi đi thăm nuôi con. Mẹ bệnh nhân Thắng mỗi tháng một lần từ Bà Rịa - Vũng Tàu vào TPHCM thăm con trai mang theo nào tôm cá, bánh kẹo, nước ngọt.
Bà nói: “Nhà nước nuôi ăn uống đầy đủ, nhưng con tui thèm cá, mắm ruốc lắm, dân biển mà. Nó phát bệnh lúc thi đại học căng thẳng”. Năm nay, Thắng đã gần 30 tuổi. Khuôn mặt vẫn còn nét linh hoạt của một anh chàng lém lỉnh, điển trai nhưng anh hầu như không nói chuyện với ai ngoài mẹ. Bà nhìn xa xăm: “Nó mà không bệnh thì giờ này đã đi làm, có vợ con đàng hoàng rồi”.
Có gia đình đến thăm nuôi thân nhân còn mang quà cho cả các bệnh nhân khác, dù chỉ là chút cà phê nhưng cũng là món quà quý đối với những bệnh nhân tâm thần đơn chiếc. Đi ngang Trại E, hàng chục người cầm thau nhựa vẫy í ới qua song sắt. Một giọng nói nhẹ nhàng: “Chị ơi cho em miếng cà phê..., chia cho “thỏ con” nữa!”.
Quả thật, không có gia đình bên cạnh, những bệnh nhân ở đây chăm sóc cho nhau như những người thân. Những bệnh nhân bị rối loạn hành vi, không tự chăm sóc được bản thân thì đã có “bạn bè” giúp đỡ. Từ chuyện ăn, chuyện mặc đến tắm rửa vệ sinh. Bệnh nhân Thắng suốt ngày lủi thủi một mình, không để ý gì đến xung quanh nên mọi việc đều phải nhờ “trợ giúp” của một bệnh nhân tên Mạnh. Anh Mạnh hàng ngày nhắc Thắng ăn cơm, giữ hộ phần thức ăn, giúp Thắng bôi thuốc trị ghẻ…
Chuyện tắm giặt vệ sinh còn vất vả hơn, nhiều bệnh nhân tiểu tiện ngay tại chỗ, những người khỏe mạnh, tỉnh táo hơn phải giúp dọn dẹp, tắm rửa, thay quần áo… Một số bệnh nhân nặng bị xích lại nơi góc tường thì đã có những bệnh nhân khác đến đút cơm, rót nước. Ở khu E, chúng tôi bắt gặp một bệnh nhân thiểu năng tâm thần khập khiễng đẩy xe lăn cho một cụ ông mắc bệnh Alzheimer. Tất cả họ hầu như không trò chuyện với nhau nhưng có sự cảm thông chia sẻ bằng những hành động giúp đỡ thầm lặng ấy.
3. Cuộc sống vẫn tiếp diễn ở bên kia cánh cửa của trại tâm thần. Những bệnh nhân khỏe mạnh và tỉnh táo vẫn tham gia lao động. Chính họ là cánh tay nối dài của các y - bác sĩ và cán bộ của trại. Họ tự làm những việc hàng ngày như: lấy thức ăn, rửa chén bát, giặt quần áo… và chăm sóc những bệnh nhân yếu hơn. Phần đông các bệnh nhân nhẹ đều có thể tham gia trồng rau, phụ bếp, dọn vệ sinh theo phân công của các y - bác sĩ.
Chúng tôi làm quen với bệnh nhân tên Dương. Anh năm nay 34 tuổi, quê ở Lâm Đồng, đã vào trại được 7 năm, phát bệnh do khi ẩu đả bị đánh vào đầu. Anh rất tỉnh táo và kể cho chúng tôi nhiều điều về cuộc sống ở trại. Anh khoe mình nhận nhiệm vụ giữ chìa khóa tủ đồ, giặt giũ, vệ sinh cho 3 bệnh nhân khác và được người nhà của họ bồi dưỡng cho mỗi tháng 30 - 50 ngàn đồng/người. Túi quần căng phồng của anh đựng đầy thuốc lá giữ giùm cho “khách hàng”. Anh tâm sự: “Ba năm rồi mình ăn tết trong trại. Nhớ nhà lắm nhưng không dám về. Về nhà không nhớ uống thuốc thường xuyên lại hay uống rượu phá làng xóm, sợ phát bệnh, mất mặt bố mẹ”.
Cô Thu, một bệnh nhân lớn tuổi đã sống gần một đời trong trại tâm thần chia sẻ: “Mình ở đây đến hết đời thôi chứ có gia đình đâu mà về. Gia đình của mình ở đây rồi!”. Cô mắc chứng động kinh tâm thần nhưng sức khỏe đã ổn định nhiều năm rồi. Hai mươi năm qua, ở trung tâm này, cô Thu phụ giúp các cán bộ trại dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc các bệnh nhân khác. Cô cũng nhận thù lao của hai gia đình nọ nhờ chăm sóc cho hai bà cụ tâm thần bị câm. Vài chục ngàn tiền công mỗi tháng chỉ đủ mua cái kẹo, miếng bánh, ăn tô hủ tiếu nhưng là niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống khép kín của cô.
Trong những ngày này, trong trại có một nữ bệnh nhân mang thai gần 7 tháng, nhưng cô không ý thức được niềm hạnh phúc được làm mẹ của mình. Các thầy thuốc cho biết, đứa bé khi sinh ra sẽ được chuyển ngay cho trại trẻ mồ côi. BS Phượng kể cho chúng tôi một trường hợp nữ bệnh nhân mang thai cách đây nhiều năm: Do khâu thủ tục chậm nên đứa bé mới sinh phải ở lại trại vài ngày. Người mẹ tâm thần ấy không biết cách cho bé bú, lại còn “nổi quạu” tát cháu bé. Bác sĩ lúc ấy phải kiêm luôn nhiệm vụ làm mẹ dù họ chưa bao giờ nuôi con.
Những bệnh nhân tâm thần không thể có một cuộc sống làm người trọn vẹn. Ở ngoài đời, do không kiểm soát được hành vi của mình, có thể gây tai họa cho gia đình, hàng xóm, cộng đồng bất cứ lúc nào nên họ bị gia đình bỏ rơi, mọi người xa lánh. Vào trại, những lúc tỉnh táo, họ sống lặng lẽ trong thế giới của riêng mình, với “người thân” là các y - bác sĩ, nhân viên tình nguyện và những người bạn cùng phòng…
Lẽ nào cuộc đời họ cứ thế trôi qua cho đến khi nhắm mắt xuôi tay? Lẽ nào cộng đồng xã hội những người tỉnh táo hoàn toàn coi như không có họ? Chia tay những bệnh nhân tâm thần, nghĩ đến điều đó, chúng tôi thấy cay cay nơi khóe mắt và thầm cầu mong: Xin mọi người hãy đến với họ một lần, chỉ một lần trong đời thôi cũng được!
PHÚC AN - XUÂN AN