LTS: Sông Mã là huyện mang tên con sông chảy dọc theo chiều dài huyện. Đây cũng là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Sơn La có đường biên giới dài 43,425km với nước bạn Lào, diện tích tự nhiên 1.640km², cách TP Sơn La khoảng 100km. Dù còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của người dân vùng biên cương đôi bờ sông Mã yên bình, đang không ngừng thay đổi, ấm no hơn.
Trong những năm gần đây, nhiều nông sản của tỉnh Sơn La được biết đến bởi sự nổi trội cả về sản lượng lẫn chất lượng, trong đó có nhóm trái cây như xoài, nhãn, dâu tây, dứa, chanh leo… Đặc biệt, nói về nhãn ở Sơn La phải về đất Sông Mã. Loại trái cây này vốn có nguồn gốc từ Hưng Yên, đã trở thành thương hiệu “Nhãn Sông Mã” nổi tiếng cả nước.
Khẳng định thương hiệu
Năm 2023, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh Hưng Yên đạt khoảng 4.800ha, sản lượng đạt khoảng 42.000 tấn. Cũng trong năm 2023, huyện Sông Mã có diện tích trồng nhãn trên 7.500ha (chiếm hơn 70% diện tích cây ăn quả của huyện), sản lượng đạt hơn 75.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ quả tươi hơn 46.000 tấn, xuất khẩu 950 tấn và đưa vào chế biến long nhãn gần 28.000 tấn. Đây là những con số thể hiện quy mô, sự phát triển của cây nhãn ở huyện Sông Mã, một trong những cây trồng chủ lực của nông nghiệp tỉnh Sơn La.
Với sản lượng tăng dần mỗi năm, nhãn Sông Mã không chỉ đảm bảo đủ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, nhờ phương pháp canh tác hiện đại hóa, chú trọng đến chất lượng giống cây, quy trình chăm sóc và thu hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đạt các chứng nhận liên quan, nên nhãn Sông Mã đã tạo niềm tin và sự tin cậy từ phía các đối tác quốc tế. Hiện thương hiệu nhãn quả tươi Sông Mã đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và Anh.
Vào tháng 6-2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký "Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã". Đây là một dấu mốc quan trọng giúp loại nông sản chất lượng này khẳng định được vị thế, nâng cao giá trị để phân phối ra các thị trường trong và ngoài nước. Các vùng trồng nhãn hiện đã nâng cao năng lực sản xuất, an toàn thực vật, phát triển chuỗi liên kết. Hiện cả huyện có 73 hợp tác xã và 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu vào cây nhãn; 47 hợp tác xã và 1 công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với 50 chuỗi liên kết, diện tích gần 1.000ha, sản lượng quả đạt trên 9.778 tấn.
Nguồn gốc nhãn Sông Mã
Cụ Nguyễn Bá Hổ (88 tuổi, ở bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã) là một trong những chứng nhân về nguồn gốc nhãn Sông Mã. Cụ Hổ quê ở xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, lên Sơn La lập nghiệp năm 1960 và đến năm 1964 thì vào xã Chiềng Khương sinh sống.
Theo cụ Hổ, lúc ấy vùng Sông Mã còn hoang vắng, đất đai chủ yếu do nông trường được bộ đội khai hoang trước đó. Đầu năm 1964, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên lên thăm bà con đi khai hoang nơi đây và quà tặng là mấy tạ nhãn quả biếu lãnh đạo và nhân dân Sông Mã. Lúc đó, nhãn quả được chia đều cho các hợp tác xã, ăn xong thì lấy hạt ươm. Lên cây con thì chia nhau đem trồng và cụ Hổ được 3 cây. Cây lên xanh tốt, mấy năm cho quả, sau đó mọi người tiếp tục ươm giống và trồng nhân rộng. Tất cả đều tự phát, tự trồng, tự tiêu thụ.
Ngoài phần tiêu thụ nhãn tươi, thì làm nhãn bán cho người sản xuất long nhãn cũng là một nghề của người Hưng Yên lên làm ở Sông Mã. Khoảng đến năm 2000, nhãn tươi Sông Mã bắt đầu có tiếng tăm và được thương lái miền xuôi lên mua nhiều, chuyển đi khắp nơi… Vườn cụ Hổ hiện có 120 gốc nhãn, mỗi năm ít nhất thu được 100 triệu đồng. Trên những gốc nhãn cổ thụ, hiện đều đã ghép những giống nhãn mới cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Cũng ở Chiềng Khương, bà Trần Thị An (64 tuổi, quê Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên) kể lại: Bà lên Sông Mã làm lâm trường năm 1978, đến năm 1993 lâm trường giải thể, quay ra làm vườn, chủ yếu trồng nhãn trên chính đất lâm trường trước đây. Sau khi nhãn Sông Mã có thương hiệu, bà con nơi đây, kể cả người dưới xuôi lên, hay đồng bào người Thái đều trồng và thâm canh nhiều. Năm 2017, bà An và một số hộ thành lập Hợp tác xã An Phú, chuyên trồng nhãn. Hiện Hợp tác xã An Phú có 20ha đất trồng nhãn, mỗi hécta khoảng 400 cây với sản lượng khoảng 14 tấn/ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương Lò Văn Khoa cho biết, hiện có 4 loại nhãn trồng phổ biến, gồm: ánh vàng, nhãn cỏ, miền thiết (nhãn lồng) và giống T6. Trong đó, giống T6 có giá trị nhất, bởi đây là giống nhãn ra quả trái mùa, theo kỹ thuật canh tác. Cũng như ở huyện Sông Mã, cây nhãn là cây trồng chủ lực, thương hiệu và nguồn kinh tế chính của Chiềng Khương. Nhờ cây nhãn, bà con các dân tộc nơi đây đều có công ăn việc làm, có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều gia đình giàu lên nhờ đầu tư trồng nhiều và làm thương mại với quả nhãn. Hàng năm, vào giữa tháng 7, chính vụ mùa nhãn, sẽ diễn ra “Ngày hội nhãn Sông Mã”. Khách hàng khắp nơi đổ về, Chiềng Khương lúc đó tấp nập, đông vui và nhãn Sông Mã tỏa đi muôn nơi…
Đền thờ Hai Bà Trưng ở bản Thống Nhất
Huyện Sông Mã là vùng núi, thượng nguồn con sông cùng tên, nơi đây có một ngôi đền thờ Hai Bà Trưng. Chuyện gắn liền với đời sống tâm linh của một bộ phận người dân, nhất là những người vốn từ châu thổ sông Hồng lên đây lập nghiệp.
Cụ Lê Văn Sản (70 tuổi, quê ở làng Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội), thủ từ ngôi đền, kể lại: Đầu năm 1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Bắc, nhân dân thôn Nại Xã chuyển đến định cư tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Sau khi ổn định, để đáp ứng nguyện vọng đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân, đầu năm 1976, tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp kinh phí chuyển toàn bộ đồ nội thất, đồ thờ cúng của đền thờ Hai Bà Trưng từ làng Nại Xã lên bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương.
“Lúc đầu dựng đền còn tạm bợ, đồ thờ cúng không có chỗ để, phải gửi nhờ nhà dân. Nhờ công sức của mọi người và sự giúp đỡ của chính quyền, ngôi đền được xây dựng. Qua 5 lần sửa chữa, trùng tu, mới có như ngày nay”, cụ Sản cho biết.
Đền thờ Hai Bà Trưng ở bản Thống Nhất hiện còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn bộ đồ thờ tự của đền thờ gốc tại thôn Nại Xã trước đây, gồm 52 hiện vật làm bằng các chất liệu, như: gỗ, đồng, sành, sứ, giấy. Những hiện vật này có niên đại khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX; trong đó có cả sắc phong từ thời vua Tự Đức. Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Sơn La vào cuối năm 2011. Với mong muốn gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của đền thờ Hai Bà Trưng, đầu năm 2023, huyện Sông Mã đã xây dựng ngôi đền mới trên khuôn viên 6.522m² . Công trình với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, đến nay đã hoàn thành mang ý nghĩa trong đời sống tâm linh và phát triển du lịch trên địa bàn.
“Từ 21 hộ lên đây năm 1975, đến nay có 100 hộ là người gốc làng Nại Xã đang sinh sống ở Chiềng Khương. Ngôi đền này là một phần gốc gác quê hương chúng tôi. Ai cũng trân trọng, giữ gìn…”, cụ Lê Văn Sản chia sẻ.
Trong năm 2023, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực thực vật (Bộ NN-PTNT) đã đánh giá cấp thêm 18 mã số vùng trồng mới cho Sông Mã, nâng tổng số mã số vùng trồng nhãn lên 48 mã trên tổng diện tích gần 500ha, sản lượng 4.817 tấn, xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Trung Quốc, Australia và New Zealand.