Muôn màu
Đầu tháng 9, khu cách ly tập trung của phường 17 (quận Gò Vấp, TPHCM) được thành lập, đặt tại Trường Mầm non Anh Đào. Nhận được thông báo, gia đình anh C.P. (chung cư An Lộc) không khỏi lo lắng. Gia đình anh 4 người đều nhiễm bệnh, mong muốn được ở nhà để có điều kiện chăm sóc tốt nhất, đặc biệt về ăn ở. Vậy nên, khi phải chuyển vào khu cách ly tập trung, chuyến xe chở gia đình anh chẳng khác nào chuyến “di cư” với đủ loại đồ đạc từ mùng, mền, chiếu gối, quần áo… cho đến các loại đồ ăn. Chưa hết, những ngày sau đó, anh còn liên tục nhờ người thân tiếp tế đồ đạc, khiến các tình nguyện viên trong khu cách ly “mắt tròn mắt dẹt”, vì chẳng khác nào… chuyển nhà.
“Vì khu cách ly gần nhà, lại khá thuận tiện trong việc nhận đồ nên hễ thiếu gì, người thân lại gửi thêm. Thậm chí, nhiều bữa ăn, chúng tôi phải báo cắt suất ăn vì được nấu sẵn đồ ăn gửi vào tận nơi”, anh C.P. chia sẻ. Vậy là, trong khu cách ly, dẫu sinh hoạt chung trong một không gian, nhưng mọi thứ không khác ở nhà.
Hàng ngày, các tình nguyện viên đều đặn 3 lần chuyển phần ăn từ các bếp ăn từ thiện cho các F0. Họ cũng hỗ trợ giao nhận đồ, vệ sinh khu cách ly… Các bác sĩ, điều dưỡng cũng thường xuyên thăm khám, hướng dẫn, động viên đặc biệt với những người có nhiều triệu chứng. “Đi không đáng sợ như các bạn nghĩ đâu”; “Sạch sẽ, thoáng mát, sân tập thể dục to”... là chia sẻ của nhiều người khi phải đi cách ly tập trung. |
Sẻ chia
Mỗi sáng sớm, căn phòng với 15 F0 cách ly tập trung cùng chia sẻ công việc chung. Người phụ trách lau dọn khu vệ sinh, khử khuẩn kỹ càng. Người quét và lau nhà, hành lang. Người đi đổ rác. Dù không phân công cụ thể, nhưng ai cũng tự giác thay phiên nhau làm việc mỗi ngày để giữ gìn không gian sạch sẽ. Góc nhỏ sinh hoạt của mỗi thành viên được xếp gọn gàng, xịt cồn vài lần mỗi ngày, vệ sinh kỹ hơn. Dù cùng là F0, nhưng ai cũng ý thức giữ khoảng cách khi tiếp xúc và khẩu trang hiếm khi được tháo ra, ngay cả khi ngủ. “Sống chung, mỗi người mỗi ý, nhưng nếu cùng tự giác sẽ tạo ra nếp sinh hoạt lành mạnh. Vào đây dù thời gian ngắn hay dài, nhưng hãy cứ coi nó là nhà mình để chăm chút”, chị T.H. tâm sự.
Còn theo chị Q.T. (ngụ đường Lê Thị Hồng), sở dĩ khi vào sống trong khu cách ly, chị không bị thiếu thốn đồ dùng thiết yếu là bởi chị đã được chia sẻ, dặn dò rất kỹ nên và không nên mang theo đồ đạc gì. Chị Q.T. cho hay: “Một số anh chị quen biết vào khu cách ly trước đã “truyền bí kíp”, tôi cứ theo đó chuẩn bị. Chưa kể, mọi người sống chung phòng cũng sẵn sàng sẻ chia với nhau, khi gói trà, mì tôm, chiếc bánh ngọt, lúc các loại trái cây được người nhà tiếp tế”.
Từ tâm trạng chung ban đầu còn phân vân không biết sống trong khu cách ly sẽ như thế nào, ăn uống sinh hoạt ra sao, nhưng rồi ai cũng dần thích nghi, an tâm hơn, đặc biệt nếu bệnh trở nặng sẽ có các bác sĩ hỗ trợ kịp thời. Mỗi phòng khi có thành viên đủ ngày cách ly, được xét nghiệm âm tính ra về, ai cũng vui mừng và chờ đến lượt mình.
Nhưng có nhiều người lòng vẫn trĩu nặng tâm sự. Anh H.V.Đ. kể: “Gia đình tôi từ miền Trung vào TPHCM lập nghiệp được 10 năm, dành dụm mua được miếng đất ở ngoại thành, tính cất cái nhà nhỏ để khỏi phải sống cảnh thuê trọ. Thế nhưng, từ năm ngoái khi dịch bệnh ập đến, công việc và thu nhập của cả hai vợ chồng đều giảm, trong khi chi phí sinh hoạt mỗi tháng vẫn đều đặn, không biết đến khi nào mới làm được”. Cùng chung tâm trạng, chị H. (ngụ đường Lê Đức Thọ) cho biết, phải nghỉ việc suốt mấy tháng nay nên thu nhập hầu như không có. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chị H. chỉ mong được về quê nghỉ ngơi thời gian ngắn cho lại sức rồi trở lại Sài Gòn để tiếp tục công việc.
Mỗi ngày, thêm những chuyến xe chở niềm vui đưa các F0 đã hoàn thành cách ly về nhà. Lại có những chuyến xe hối hả đưa các F0 mới vào. Vui - buồn đan xen, nhưng ai cũng mong cuộc sống sớm trở lại bình thường, để khu cách ly này sẽ lại ngập tràn tiếng cười trẻ thơ như chức năng vốn có của nó.