Chuyện những người vượt biên bằng container

Phóng viên Báo SGGP tiếp tục tìm kiếm những nhân chứng đã từng đi sang Đức, Anh để biết thêm thực trạng con đường lao động chui đầy bất trắc. Có những nhân vật chấp nhận nêu tên thật, vì họ đã trở về 9 năm. 

Có những người không thể nêu tên vì sinh con trong tù, hoặc quá ám ảnh sợ bị trả thù. Tất cả đều được chúng tôi ghi nhận, để cảnh báo rằng di cư qua các nước châu Âu (EU) bất hợp pháp đều khó trở thành giàu có như viễn cảnh “cò” tô hồng.

Chuyến đi ám ảnh nhất cuộc đời

Hơn 10 năm trước, ông Trần Thanh Văn (56 tuổi, ngụ tiểu khu 4, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đánh cược mạng sống và lấy hết tài sản, vay mượn để chồng 500 triệu đồng cho “cò” đưa sang Anh. Đấy là chuyến đi ám ảnh nhất cuộc đời ông.

Ông Văn được “cò” mua vé máy bay sang Cộng hòa Séc, ở 6 tháng mới mua vé tàu hỏa sang Đức theo diện du lịch. Nhưng ở Đức không người quen, không giấy tờ, ông buôn thuốc lá lậu nhằm kiếm sống qua ngày. Sau 2 tháng nơm nớp ở Đức, ông Văn lên tàu hỏa sang Pháp để tìm cách vào Anh.

“Bãi tập kết ở Pháp có hàng trăm lao động đến từ nhiều nước khác nhau, được cai quản bởi nhiều băng nhóm xã hội đen. Người Việt cũng có rất nhiều, chủ yếu nói giọng miền Bắc và miền Trung. Thời gian ở bãi tập kết là mệt mỏi nhất. Những lao động bất hợp pháp như tôi phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Sợ nhất là bị tấn công tình dục bởi băng nhóm xã hội đen, nhất là phụ nữ. Nhiều lần tôi cũng như những lao động khác chứng kiến cảnh phụ nữ bị hãm hiếp nhưng đành bất lực, không dám lên tiếng vì sợ bị đánh, bị đuổi khỏi bãi”, ông Văn nhớ lại.

“Nhằm tránh cảnh sát Pháp chúng tôi phải chui vào rừng sâu trốn tránh, màn đêm xuống lại mò ra bãi đậu của hàng trăm chiếc container chở hàng hóa. Chờ sơ hở của các tài xế, chúng tôi sẽ bị ép và nhồi nhét lên các gầm thùng xe container có biển đăng ký ở nước Anh. Nếu ai sợ không lên thì coi như mất cơ hội sang Anh, mất trắng tiền cọc nên đành cắn răng làm theo, dù biết là hiểm nguy. Khi vừa lên xe thì ở quê nhà, chân rết của đường dây đã lấy số tiền còn lại”, ông Văn kể.

Với ông Văn, nhảy container là trò mạo hiểm nhất cuộc đời, phải mất 12 lần mới qua được Anh. Và bất cứ lao động bất hợp pháp nào cũng có ít nhất 10 lần thử thách vượt biên như vậy, vì máy móc kiểm soát của cảnh sát rất tốt. Lần nhảy xe thứ 12, ông Văn cùng một thanh niên quê Nghệ An bị ép nằm dưới gầm của xe container, mỗi người nhận một túi ni lông trùm kín.

Trên đường đi, mỗi lần xe dừng lại, tất cả phải nắm chặt túi ni lông ngưng thở nhằm tránh máy dò nhiệt, chó nghiệp vụ. Mỗi trạm kiểm soát như vậy chừng 2 - 3 phút. “Đến trạm kiểm soát thứ 3, vì xe dừng lâu quá, nằm trong túi ni lông tui suýt chết ngạt. Xuống xe không đi nổi nữa, phải nằm ở gốc cây hơn 30 phút mới tỉnh lại”, ông Văn kể.

Đến Anh trót lọt, ông vào làm thuê trong những căn nhà kín, thắp điện suốt ngày để trồng cần sa. Một năm sau bị cảnh sát Anh phát hiện và bắt vào tù, sau đó trục xuất về nước. Sau 2 năm tha hương, ông Văn may mắn hơn nhiều người khác khi kiếm đủ số tiền bỏ ra và dư dả một ít xây cất nhà, nhưng với ông, đây là quãng đời không muốn lặp lại.

Bị bắt và lấy tiền tị nạn

Đến hôm nay, đã 9 năm trôi qua kể từ ngày bị trục xuất về nước, anh V.M.G. (49 tuổi, ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa hết ám ảnh khi nhắc lại “giấc mộng làm giàu trời Âu”. Anh cho biết, năm 2010, thông qua một công ty ở Bắc Giang, anh sang Thụy Điển, làm nghề hái dâu được một tuần thì bỏ ra làm ngoài với đủ thứ nghề. Sau đó, do công việc không thuận lợi, thông qua một số người môi giới, G. được đưa đi “chui” sang Đức, Pháp, tiếp đó sang Anh làm nghề trồng “cỏ” (cần sa). Số tiền bỏ ra gần 400 triệu đồng.

Chuyện những người vượt biên bằng container ảnh 1 Anh V.M.G. (Hà Tĩnh) kể lại hành trình đi Anh mà giờ có cho tiền anh cũng không dám đi

Tuy nhiên, khi sang đến Anh, G. bị nhà chức trách bắt giam 2 lần. Lần đầu khi mới vào nơi trồng “cỏ” đã bị phát hiện, bắt giam 3 tháng, sau khi được thả ra anh lại tiếp tục xin đi trồng “cỏ”. Làm được khoảng mấy tuần thì anh G. lại bị phát hiện và bị bắt giam lần 2 khoảng 7 - 8 tháng. Sau khi ra tù, thấy trồng “cỏ” nguy hiểm nên anh chuyển sang làm lao động tự do.

Đến năm 2011, anh G. bị trục xuất về nước, từ đó đến nay ở nhà cùng gia đình làm nông nhưng vẫn chưa trả hết nợ. Anh G. nói: “Đi xuất khẩu lao động chui như thế này rất nguy hiểm, mức độ gặp rủi ro là rất cao, đến bây giờ đã khiếp sợ lắm rồi, nếu có cho đi xuất khẩu lần nữa thì tôi cũng không dám đâu”.

Còn anh N.Đ.T. (hơn 40 tuổi, ngụ thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhắc lại lần vượt biên từ Đức sang Anh. “Năm 2003, do cuộc sống ở quê khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, tôi vay 5.500USD đưa cò đi theo đường du lịch sang Nga, sau đó qua Đức. Khi đến biên giới Ukraine thì bị nhà chức trách của nước này bắt giam hơn 3 tháng rồi thông báo cho cơ quan chức năng Việt Nam. Sau đó, các đối tượng trong đường dây môi giới bảo lãnh tôi rồi tìm cách đưa sang Cộng hòa Séc, đến tháng 9-2004, tôi vượt biên sang Đức, ở đây tôi nhập trại tị nạn, mỗi tháng nhận trợ cấp 200EUR”, T. kể.

Tại trại tị nạn, nếu đồng ý theo sự sắp xếp làm việc cho các nhà hàng thì sẽ được trả lương khoảng 800EUR/tháng. Tuy nhiên, do muốn có nhiều tiền, T. cũng như nhiều người Việt Nam khác ở đây đã tìm cách trốn ra ngoài buôn thuốc lá lậu.

“Với công việc buôn bán thuốc lá lậu, xấu nhất kiếm được 1.000EUR/tháng, may mắn sẽ kiếm khoảng 5.000EUR/tháng. Ngoài ra, còn nhận 200EUR tiền trợ cấp tị nạn, sẽ có tiền gửi về nhà. Tuy nhiên, nghe môi giới nói sang Anh sẽ có thu nhập nhiều hơn nên tôi lại tìm cách sang Anh với giá 8.000USD. Xe đến Anh, đập thùng thì tài xế không dừng lại, lái vào đồn cảnh sát, tôi và một người hàng xóm bị bắt, trục xuất về nước. Quá trình tìm cách vượt biên sang Anh, tôi đã nhiều lần bị một nhóm người chặn đường hành hung kinh hoàng. Đến bây giờ sống sót trở về, nếu ai đó cho cả tỷ đồng để thực hiện lại chuyến vượt biên sang Anh tôi cũng từ chối”.

Sinh con trong tù

Chị T.B.N. (35 tuổi, ngụ phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) dù trở về quê hương nhưng sang chấn tâm lý vẫn ám ảnh đến bây giờ. Năm 2008, nghe dụ dỗ của một đường dây đưa người xuất khẩu lao động “chui” sang Anh, chị vay mượn rồi cầm cố 2 sổ đỏ cho ngân hàng lấy 500 triệu đồng để sang Anh.

Trong một năm ở Pháp, chị đã nhảy container hơn 70 lần. Có những chuyến đi không đúng lộ trình, N. phải lội bộ giữa trời tuyết lạnh âm hàng chục độ về lại bãi tập kết. Thậm chí, chị phải qua đêm ở góc phố, gầm cầu nào đó hay chui vào thùng rác để nằm cho đỡ lạnh.

Cuối năm 2009, cuối cùng N. cũng qua Anh trót lọt nhưng lại không có số liên lạc của người trong đường dây, chị trốn vào rừng, sau một ngày lội bộ thì lọt vào trang trại nuôi đà điểu. Chị N. gặp được một lao động chui gốc Việt, người đàn ông này đã đưa N. về một trại trồng cần sa, xin chủ cho chị ở lại làm việc.

Ở đất khách, N. xem người đàn ông gốc Việt như là chồng. N. trồng cần sa 3 vụ đều bị cướp cả 3. Gần một năm ở Anh, sau nhiều lần chuyển nhà, N. bị bắt. Vào tù, chị phát hiện mình có thai được hơn 2 tháng. Khi chưa hết án phạt 1 năm thì sinh hạ một bé trai ngay trong trại tù. Bé được 3 tháng tuổi, hai mẹ con bị trục xuất về nước, gánh thêm khoản nợ hơn 150 triệu đồng chưa trả được.

Phải mất 5 năm sau, khi bươn chải đủ nghề chị mới hoàn trả được số tiền vay mượn. Người được xem là chồng ấy, cuối cùng N. cũng nhận tin là đã qua đời. Về quê, chị đã đi bước nữa, sống với nghề làm tóc giữa Đồng Hới. Đứa con trai sinh ra trong trại tù ở Anh quốc giờ theo N. mà không biết bố mình là ai. Với chị đấy là một nỗi đau không thể quên trong đời.

Nghệ An có 21 gia đình trình báo con em vẫn mất liên lạc

Ngày 7-11, liên quan đến vụ việc 39 người gặp nạn tại Anh, Đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã họp về vấn đề này. Hiện nay, Công an tỉnh Nghệ An đã cử đoàn công tác ra Hà Nội, phối hợp với các bộ ngành liên quan để sẵn sàng trong tình huống xấu nhất hỗ trợ các gia đình người bị nạn đưa con em về quê. Cho đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An có 21 gia đình trình báo có con em vẫn mất liên lạc.

Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 7 người để điều tra hành vi liên quan đến việc đưa người ra nước ngoài trái phép. 7 người này mới bị tạm giữ, chưa có đủ yếu tố để khởi tố bị can. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục