Cuối năm ngoái, khoảng đầu tháng 11, khi Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam chính thức ra mắt, có khá nhiều người tròn mắt, thầm mỉm cười: Sao mà lắm hội thế! Có hội này hội kia, giờ lại có thêm cái hội mang tính “thầm kín” vậy? Rồi đến ngày 19-11, khi thế giới kỷ niệm ngày nhà vệ sinh thế giới, trong đó có Việt Nam - lần đầu tiên tham gia, người đời lại mủm mỉm so sánh 2 chữ viết tắt tiếng Anh đều là WTO, một đằng là Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới, đằng kia là Tổ chức Thương mại thế giới, chẳng lẽ là “2 trong 1”?
Nhưng đó là chuyện nghiêm túc, chuyện nhỏ - không nhỏ, khi hình ảnh một quốc gia được đánh giá trước tiên từ hình ảnh nhà vệ sinh (cả công cộng và cá nhân), và không thể nói tới một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” nếu thiếu cái đầu tiên là sự sạch sẽ, vệ sinh, tiện lợi của bồn cầu mỗi nhà. Và chẳng lẽ cứ phải sống trong cái bóng phủ quá lớn của thú “nhất quận công” từng được coi là cách giải quyết nhu cầu “tao nhã nhất” mọi thời đại? Thật khó nghĩ khi biết rằng cái “văn hóa toilet” cũng là vấn đề chung của thế giới, là “nỗi đau khổ không của riêng ai”. Cách nay chẵn 10 năm, trong chuyến công tác đến nước Nga, tôi có ghé thăm hồ Baikal ở cách thành phố Irkusk vài giờ đi xe. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới còn giữ nguyên vẻ đẹp man dại, hoang sơ với nước trong vắt có thể nhìn thấy hòn sỏi ném xuống ở độ sâu 60m, rồi cả những rừng cây thông, bạch dương, sồi… chạy đến ngút ngàn. Song, tất cả vẻ tuyệt mỹ đó bỗng chốc tan biến - như đi trong hoang mạc với nụ cười cố lên, sắp đến ốc đảo rồi - khi buộc phải đi vệ sinh cá nhân trên một cái hố khoét sâu vài mét với một thùng sắt đựng phía dưới bốc mùi… Và những cảnh tượng đại loại như vậy có nhan nhản ở nước Nga vĩ đại.
Còn nhớ một lần trên đường đến đảo Olkholsk, khi ghé một quán bistro (quán ăn nhanh) bên đường, người viết có hỏi nhà vệ sinh đâu thì phục vụ quán chỉ ra bên ngoài, cách quán chừng 50m cũng với cái hố tự nhiên như ở mọi vùng sâu, vùng xa nước Nga. Tôi có thắc mắc với người bạn Nga đi cùng sao không xây toilet luôn trong quán, cứ phải chui ra ngoài rồi lại chui vào trong trong tiết trời lạnh buốt? Người bạn cười buồn: thì nước Nga nó vậy, thế mới huyền bí, thế mới là một siêu cường đầy nghịch lý. Có thể chế tạo phi thuyền, vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng nhà vệ sinh thì không. Vẫn như thời Sa Hoàng thế kỷ 18-19!
Ở một khía cạnh nào đó, một siêu cường khác là Trung Quốc có cái nhìn thực dụng hơn rất nhiều. Sau nhiều năm phải chịu nhiều chỉ trích, ta thán từ khách du lịch quốc tế, chính phủ nước này đã xây dựng cả một chiến lược quốc gia xây dựng toilet và “văn hóa toilet” cả ở vùng nông thôn lẫn thành thị. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hiệu triệu “cuộc cách mạng nhà vệ sinh cần đem lại sự sạch sẽ trên toàn quốc, nhất là các điểm du lịch thu hút du khách”. Tân Hoa Xã, trong một bản tin đặc biệt đã miêu tả khi đến thăm các vùng quê ông Tập Cận Bình thường hỏi các quan chức địa phương câu đầu tiên là tình trạng nhà vệ sinh như thế nào, với cách kiểm tra như một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trước dân. Và kết quả thấy rõ khi 2 năm gần đây Trung Quốc đã cải tạo, xây mới gần 100.000 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn quốc tế. Nhờ đó, Trung Quốc đã xây dựng một hình ảnh mới về mình, thu hút dòng ngoài tệ chỉ từ chuyện nhỏ là “xử lý” chất thải của du khách một cách bài bản, khoa học. Không phải ngẫu nhiên, mới đây nhà sáng lập Microsoft, đại tỷ phú Bill Gates đã chọn Bắc Kinh là điểm dừng chân đầu tiên để giới thiệu những mẫu nhà vệ sinh tiên tiến nhất trong một chiến dịch trợ giúp trị giá 200 triệu USD.
Tất nhiên, để đạt đẳng cấp “cường quốc toilet” thế giới như Nhật Bản thì còn cả một chặng đường dài hàng chục năm ánh sáng. Nhưng cũng cần nhớ rằng cách đây nửa thế kỷ, đất nước mặt trời mọc có cùng xuất phát điểm như Việt Nam trong lĩnh vực “văn hóa toilet” với câu cửa miệng “5K” (theo tiếng Nhật chỉ sự hôi hám, bẩn thỉu). Song giờ đã khác, khi nhà vệ sinh đã trở thành một thiết chế văn hóa, giống với nơi sáng tác thơ haiku chứ không phải thuần túy chỉ là chỗ dốc bầu “tâm sự”. Cũng lần thăm nước Nga kể trên, tôi có nói với người bạn Nga đi cùng rằng nước Nga nên học tập Việt Nam khi đã thành công trong chiến dịch xóa “cầu tõm” bằng cách cung cấp các nguồn tín dụng không lãi suất cho người dân xây nhà vệ sinh. Nhưng thật ra, sau “cuộc cách mạng lần thứ nhất” này, tình hình “văn hóa toilet” ở chúng ta gần như giẫm chân tại chỗ với sự xuống cấp trầm trọng cả ở khía cạnh hạ tầng kỹ thuật lẫn thượng tầng kiến trúc - ý thức của người dân. Khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu đại ý “toilet bệnh viện bẩn thì bộ mặt của lãnh đạo bệnh viện đó cũng bẩn như vậy!”, thì đã phải hứng chịu khá nhiều chỉ trích từ cộng đồng. Song theo thiển ý người viết, ý đó có phần đúng nếu xét đến thực trạng quá khủng khiếp ở các khu vệ sinh bệnh viện và trường học hiện nay.
Và đã đến lúc bắt đầu một cuộc cách mạng nhà vệ sinh lần nữa, phải là một chương trình quốc gia thiết thực với sự huy động sức mạnh tổng lực “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đó cũng là yêu cầu cấp thiết, vì đằng sau cái nhà vệ sinh là hình ảnh, văn hóa một đất nước - như ta hay nói - nhìn nó suy ra mình. Chuyện nhỏ mà không nhỏ!