Chuyện nhà ở xứ người

Chị H., một Việt kiều đang định cư ở Pháp, luôn giữ quan niệm an cư lạc nghiệp với tinh thần có nhà mới có hộ khẩu, không nhà thì… hậu khổ! Nên ngay từ khi mới đếp Pháp đã lên kế hoạch tậu nhà dài hạn.
Nhưng muốn là một chuyện, còn được hay không là chuyện khác. Chị H. tâm sự, chỉ riêng việc thuê nhà ở đã gặp không ít khó khăn, nào là người thuê phải có công ăn việc làm ổn định, phải có người bảo lãnh.
Ở Pháp, mỗi lần có việc gì là các cơ quan hành chính đều đòi các loại giấy tờ để xác nhận địa chỉ. Thứ nhất là giấy trả tiền điện, nước, điện thoại, rồi mới đến giấy trả tiền nhà. Nếu ở thuê, phải có giấy chủ nhà xác nhận, người chủ nhà cũng phải chứng minh được mình có phải chủ nhà hay không… 
Chuyện nhà ở xứ người ảnh 1 Một căn hộ 27m2 tại Porte de Saint Cloud, Paris (Pháp) đang được rao bán với giá 279.000 EUR
Gần đây chính phủ Pháp khởi động chương trình cho vay tiền mua nhà trả góp trong 40 năm, chuyện vay tiền để trả góp mấy chục năm không lạ gì đối với dân Anh, Mỹ, nhưng đối với người Pháp thì hơi lạ. Vì khi trả dài hạn là 40 năm bắt buộc phải đổi lãi suất cố định sang lãi suất xét lại.
Loại “xét lại” này sẽ lên hay xuống do sự điều chỉnh của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Lúc đó, người mua có nguy cơ trả không nổi tiền hàng tháng. Người mua nhà vẫn thấy do dự trong việc thuê nhà hay mua nhà và nếu mua thì nên mua mới hay cũ?
Mua nhà cũ có thể giá mềm, nhưng lại phải chịu nhiều phí tổn ngoài dự tính như sửa chữa, đóng tiền cho công chứng đều cao hơn hẳn so với mua mới. Cái khổ của người mua nhà cũ là hư gì mình phải tự sửa lấy, cái sướng người thuê nhà là chủ lo, chủ sửa.
Nhưng tiền mướn nhà hàng tháng cũng tương đương tiền trả cho ngân hàng mà không được làm chủ căn nhà, hết thời hạn người chủ không cho thuê tiếp thì ra đường. Chính phủ Pháp chỉ giúp 300EUR/tháng để trả tiền nhà khi bị thất nghiệp.
Thêm vào đó người mua không cẩn thận cũng dễ dính bẫy lãi suất. Cách thứ nhất là lãi suất cố định trả từ đầu đến cuối không thay đổi. Cách thứ hai thấp hơn một chút là lãi suất xét lại. Khi mua nhà, ngân hàng luôn luôn đề nghị người vay chọn cách sau vì lãi suất thấp.
Nhưng đừng thấy vậy mà ham, khi chọn cách sau, người mua sẽ có nguy cơ không trả được, vì giá nhà chỉ lên chứ ít khi xuống. Ngoài ra, mua nhà để ở khi bán lại không bị đóng thuế, còn mua nhà để kinh doanh hay cho thuê, khi bán bị đóng thuế 27% cho người ở tại Pháp, 33% người nước ngoài trên tiền lời của ngôi nhà…
Sau một biến cố lớn trong đời sống, chị H. rời Pháp sang Mỹ định cư, quan niệm phải có “mảnh đất cắm dùi” vẫn không đổi, nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa khi quy định về sở hữu bất động sản ở Mỹ còn phức tạp hơn.
Khác với Pháp, mua nhà ở Mỹ thủ tục dễ hơn, nhưng sau khi mua lại lo nhiều hơn. Sau khi mua nhà, người sở hữu bắt buộc phải mua một trong các loại bảo hiểm là động đất, lũ lụt và hỏa hoạn. Nhưng “ngốn tiền” nhất là tiền thuế bất động sản, tùy thuộc luật của mỗi bang, dao động từ 0,5% - 3%/giá trị tài sản.
Ngoài mức thuế cao, chính phủ Mỹ còn có những biện pháp rất nghiêm khắc với người sở hữu nhà không đóng thuế. Đầu tiên, chủ nhà sẽ bị phạt. Nếu không đóng phạt, chính phủ sẽ đưa khoản nợ đó vào hồ sơ căn nhà để khi bán, người chủ buộc phải trả.
Nhưng nếu sau 3 hoặc 5 năm mà chủ nhà vẫn không bán nhà, người thu thuế của địa phương sẽ bán đấu giá căn nhà đó. Giá ban đầu chỉ bằng đúng số tiền thuế mà nhà nước cần thu, đôi khi chỉ là vài ngàn USD.
Ngoài các khoản thuế bảo hiểm, chi phí bảo trì nhà tại Mỹ cũng là một khoản không nhỏ bởi tiền công sửa chữa luôn ở mức rất cao. Khi sửa chữa nhà, chủ sở hữu phải phải xin giấy phép nên khi sửa chữa vừa tốn tiền xin giấy phép vừa tốn tiền công. Ngay cả sửa chữa nhẹ như thông cống hay chữa đường dây điện chi phí cũng đã vài trăm USD hoặc cao hơn.

Tin cùng chuyên mục