Dự án nhằm khuyến khích thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, các du học sinh Việt, biến những câu chuyện riêng trở thành câu chuyện được lắng nghe. Dự án đồng hành với thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, du học sinh Việt trong quá trình khám phá bản thân, chuyển hóa sự khác biệt thành khả năng đặc biệt có giá trị cho cộng đồng. Do đó, mỗi podcast gửi về là một câu chuyện sống động và nhiều cảm xúc. Đó là Hà Đình Chí (18 tuổi, nghệ danh NEM), học sinh Trường Les Fantastiques - dành cho trẻ tự kỷ thuộc thành phố Louvain-la-Neuve và học vẽ ở trường Ecole des Beaux Arts tại Wavre (Bỉ) với podcast mang tên Vẽ thay lời muốn nói.
NEM có xu hướng “xả” cảm xúc, thể hiện thế giới nội tâm qua những bức vẽ chủ đề tự do, sinh động. Xem tranh NEM, ta mường tượng ra những luồng chuyển động của suy nghĩ và quan sát, các độc thoại nội tâm lúc đơn giản mạch lạc, lúc chồng chéo hỗn độn.
Cũng tràn đầy màu sắc nhưng không phải trong triển lãm tranh mà trong một tiệm làm móng ở thủ đô Amsterdam, đó là câu chuyện mà cô gái Hạnh Nguyễn (25 tuổi, Hà Lan) trong podcast Những người tô màu trong tiệm móng, chia sẻ. “Tôi nhìn thấy mẹ tôi trong hình ảnh người mẹ của Ocean Vương khi đọc tiểu thuyết hồi ký của ông, nhiều trích đoạn đã chạm vào tim tôi. Ocean Vương đã truyền cảm hứng, nâng nghề làm móng của mẹ anh, của mẹ tôi và có thể là của chính tôi nữa, nếu sau này tôi còn tiếp tục làm nghề tô màu lên những ngón tay làm đẹp cho đời này”.
Nói về podcast này, thành viên Ban cố vấn, thạc sĩ giáo dục Võ Thị Mỹ Dung (giảng viên sau đại học - Học viện AcademyEX New Zealand), nhận định: “Ngoài nội dung thì cách trình bày của bạn ấy cũng lan tỏa cảm xúc. Câu chuyện nêu được thực trạng chung, băn khoăn của khá nhiều người muốn định cư ở nước ngoài. Cách bạn kể hay, dùng video và hình ảnh minh họa khá tốt... Đây là podcast tạo được sự rung động”.
“Xin chào! Tôi tên là Mai Linh và tôi 27 tuổi. Tôi sống ở Bỉ. Tôi chưa thể nói tiếng Việt tốt, nhưng tôi muốn học tiếng tốt hơn...” là lời Mai Linh Verdonck mở đầu trong podcast Mai Linh - cô gái được nhận nuôi từ Việt Nam. Đã trải qua nhiều năm và vài lần trở về Việt Nam, cụ thể là Quảng Ninh tìm kiếm cha mẹ đẻ của mình nhưng chưa thành công, Mai Linh vẫn nuôi tiếp ước mơ. “Nếu gặp cha mẹ ruột của mình, tôi sẽ kể cho họ nghe về bản thân tôi và tôi muốn biết về họ nhiều đến thế nào, khát khao được trông thấy họ ra sao. Tôi muốn cha mẹ ruột của mình biết rằng tôi đang cố gắng hết sức trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn có một phần đang thiếu trong tôi…”.
Văn hóa Việt và tiếng Việt thấm vào cách người mẹ Việt nuôi con và ru con lớn lên ở nước ngoài. Chàng trai tự kỷ David Smets (22 tuổi) vừa đàn, vừa hát, vừa tái hiện câu chuyện tuổi thơ. “Mẹ kể bà ngoại ở Việt Nam của tôi mất khi mẹ mới 5 tuổi, một năm sau đó ông ngoại cũng mất, mẹ phải vào trại mồ côi. Mẹ không còn nhớ ngày xưa bà ngoại có hát ru mẹ hay không, nhưng mẹ học hát ru theo trẻ con ở quê, học khi xem chương trình Bông hoa nhỏ. Mẹ nhớ gì thì hát ru tôi như vậy. Con cò là cò bay lả, lả bay la/ Bay từ là từ cửa phủ bay ra là ra cánh đồng/ Tình tính tang là tang tính tình...”.
Với kinh nghiệm là Trưởng ban tổ chức Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Varsaw (Ba Lan), ông Trần Trọng Hùng, thành viên Ban cố vấn dự án, chia sẻ: “Thông qua các lễ hội cộng đồng, những chương trình và dự án về văn hóa sẽ góp phần giúp người trẻ gốc Việt xác định rõ danh tính của mình, tự hào về nguồn gốc trong quá trình lớn lên ở nước ngoài. Mong nhà nước có kinh phí cho quảng bá văn hóa Việt, hỗ trợ tổ chức lễ hội, dự án và hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nữa. Một tô phở không chỉ là tiền công và thịt, gạo, nước, mà cộng với cả nền văn hóa mới ra được giá trị tô phở. Ý thức được điều đó, chúng ta sẽ có nhiều dự án, chương trình tốt hơn, sâu hơn, hiệu quả hơn”.
Ban cố vấn dự án đã chọn ra 3 tác giả nhận tặng thưởng gồm: Hạnh Nguyễn (25 tuổi, Hà Lan) với podcast Những người tô màu trong tiệm móng; Bùi Bạch Diệp Daria (14 tuổi, Ukraine) với podcast Tìm lại nụ cười ở Kyiv; David Smets (22 tuổi, Bỉ) với podcast David bận rộn.