Biệt lập giữa núi rừng
Vượt hơn 15km từ trung tâm UBND xã Trà Bùi, lắt lẻo qua những ngọn núi cao, đường lên thôn Tang, xã Trà Bùi (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn là đường đất đá lởm chởm, bốn bề hiểm trở. Trưởng thôn Tang, anh Hồ Văn Tuấn dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Hồ Văn Châu.
Từ thôn Tang, đoạn đường lên nhà ông Châu dài thêm 10km, qua rất nhiều ngọn núi, tuyệt nhiên không thấy bóng nhà. Từ núi Hàn Ông chỉ thấy thấp thoáng duy nhất một ngôi nhà sập xệ, cũ kỹ, được che tạm bợ, xen lẫn giữa đám cây rừng và phải đi bộ lên núi khoảng 200m, để “tiếp cận” được với ngôi nhà ấy.
Anh Tuấn cho biết: “Năm nay người ta ủi đường ngang qua ngọn núi - nơi ông ở - nên thời gian lên đến nhà ông giảm đi rất nhiều. Nhưng cũng vì có xe chạy qua lại nên ông Châu lại càng ẩn nấp kỹ hơn vì không quen với tiếng ồn ào”.
Gọi là ngôi nhà nhưng nó lại trông giống như cái lều tạm bợ, được che chắn bằng cây, ván gỗ và những mái tôn đã hư hỏng.
Trước khi xuống lưng chừng núi để ở, ông Châu sống cả đời ở đỉnh núi Hàn Ông, ông Châu nói: “Lúc tôi còn nhỏ, cha mẹ sinh ra tôi cùng 6 người anh em, sống trong rừng rậm. Khi tôi cha mẹ tôi chết, rồi những người anh em của tôi chết đi thì tôi vẫn ở đây, không đi đâu cả”.
Đến nay, ông Châu vẫn giữ thói quen, nếp sống của người Cor xưa: vùng cư trú được ông Châu chọn là nơi rừng rậm, độ dốc lớn, núi cao, ông Châu hái quả rừng và trồng lúa rẫy, trồng mì “tự cung tự cấp”. Quanh nhà ông có trái su rừng, rau dớn, nấm, đi xa hơn phía trên đỉnh núi có mật ong. Ông Châu nói: “Mỗi năm tôi làm 2-3 ang lúa, nhưng có năm chuột cắn phá thì không có lúa ăn, chỉ ăn mì để sống”.
Mặc dù điều kiện thiếu thốn nhưng ông Châu không ốm đau nhiều, khi ốm đau, trong rừng có sẵn những thức làm thuốc. Ông thường đào củ rừng là “mơ-gang”, trông giống như củ nghệ, có thể ăn để trị bệnh đau bụng, đau dạ dày,… và một số lá cây trong rừng khác có thể làm thuốc.
Quyết không về làng
Có lẽ trong suốt quãng đời của ông Châu đến thời điểm này, trừ những năm kháng chiến chống Mỹ là lúc ông tham gia du kích địa phương, duy nhất thời điểm đó ông mới rời làng tham gia chống giặc, nhưng nơi ông đến vẫn được bao bọc bởi núi rừng. Từ sau năm 1975, khi đất nước hòa bình, ông Châu chọn rừng sâu làm nơi sinh sống, mặc dù những anh em của ông đã về dưới làng thôn Tang.
Ông Châu không có vợ con, nhắc đến chuyện lấy vợ, ông cười nói: “Nếu lấy vợ thì phải rời rừng núi, rời quê hương thì làm sao. Tôi không lấy”.
Trưởng thôn Tang, anh Tuấn kể: “Năm 2015, anh trai của ông Châu cho tôn để lợp nhà, cả làng được huy động đến gần 70 người để giúp ông. Đàn ông thì tập trung di chuyển nhà của ông từ trên đỉnh núi xuống lưng chừng núi, một nhóm khác thì đi đẽo cây keo về làm cột nhà, còn lại đi bộ theo đường mòn từ làng lên đến chỗ ở của ông để vận chuyển tôn, vật liệu dựng nhà”.
Để có nước sinh hoạt, ông dẫn đường ống tre từ suối đỉnh trên núi Hàn Ông về đến nhà. Xung quanh nhà có rất nhiều dây trầu, đây cũng là giống cây trồng người Cor xưa ưa chuộng, ông thường trèo lên hái để cháu ông ở dưới thôn Tang lên lấy về bán cho miền xuôi và đổi lại cho ông mắm, muối.
Ông Châu không xuống núi, thỉnh thoảng vài người lên thăm ông hoặc những người đi săn mật ong ngang qua nhà ông, vậy mà ông nói: “Thế là nhiều người lắm rồi! Họ đến và nói chuyện thì tôi không làm được việc”.
Ông Hồ Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi, cho biết: “Nhiều năm nay, xã đã vận động ông xuống dưới gần đường để ở nhưng thuyết phục mãi thì ông chỉ chịu xuống lưng chừng núi Hàn Ông chứ không xuống nữa. Mọi năm, xã cũng hỗ trợ mắm, muối, gạo. Cứ hằng tuần, cử cán bộ lên thăm hỏi sức khỏe ông và để nắm tình hình sinh sống của ông. Rất may là ông luôn khỏe mạnh”.