Theo kế hoạch, ngày 11-2, bộ phim Chuyện ma gần nhà sẽ chính thức ra rạp. Hiện ê kíp liên tục công bố các thông tin về bộ phim nhằm tạo chú ý cho khán giả. Ngoài trailer, poster, thông tin về các diễn viên, loạt video hậu trường quá trình ghi hình cũng vừa được công bố. Bên cạnh đó, ê kíp thực hiện bộ truyện tranh gồm 12 tập nói về những truyền thuyết đô thị, những câu chuyện ma được lưu truyền trong dân gian.
Cùng thời điểm, bộ phim Em và Trịnh cũng đang thực hiện các chiến dịch PR rầm rộ. Sau podcast Nắng thủy tinh gồm những tản văn được viết dựa trên cảm hứng từ 301 bức thư tình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho mối tình sâu đậm của mình - Ngô Vũ Dao Ánh, ê kíp tiếp tục thực hiện chuỗi đêm nhạc Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ tại 5 địa điểm: TPHCM, Đà Lạt, Huế, Hà Nội, Cần Thơ.
Điểm chung trong khâu quảng bá của phim Việt hiện nay là các ê kíp thực hiện đồng thời rất nhiều chiến dịch khác nhau trên truyền thông, mạng xã hội. Khi thị trường bùng nổ về số lượng phim được sản xuất mỗi năm, các ê kíp, nhà phát hành đã rất ý thức, chú trọng và đầu tư cho khâu quảng bá với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài các chiến dịch PR theo phương thức truyền thống: tổ chức showcase, giao lưu với khán giả, thông tin trên báo chí, truyền thông…, các hình thức quảng bá ngày càng đa dạng hơn. Ra mắt sách, phim ngắn, webtoon, tổ chức cuộc thi… liên tục được lên kế hoạch thực hiện.
Đã qua rồi thời “hữu xạ tự nhiên hương”, khâu PR dù không quyết định thành - bại doanh thu phòng vé của một bộ phim nhưng việc định hình trong lòng khán giả thời điểm phim ra mắt và mang đến cho họ những hình dung ban đầu về bộ phim là yếu tố quan trọng. Đó là lý do dù liên tục phải dời lịch phát hành vì dịch bệnh, chi phí quảng bá đội lên hàng tỷ đồng, các ê kíp vẫn sẵn sàng chi thêm tiền cho khâu này.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, PR phim là con dao 2 lưỡi. Xét cho cùng, một bộ phim thành công, yếu tố tiên quyết vẫn là chất lượng và phù hợp thị hiếu khán giả. Các chiến dịch PR luôn cần thiết, nhưng chọn thực hiện theo cách nào luôn cần phải cân nhắc có phù hợp với bộ phim đó hay không. Việc “tô hồng” quá đậm cho tác phẩm, hoặc dùng scandal nhằm gây chú ý nhưng chất lượng không tương xứng cuối cùng chỉ phản tác dụng.